Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Cân nhắc kỹ khi chọn tổ hợp môn học lớp 10

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau nỗi lo chọn trường, thời điểm này, phụ huynh và học sinh (HS) lại băn khoăn lựa chọn tổ hợp môn học - lựa chọn mang tính quyết định nghề nghiệp tương lai.

Băn khoăn lựa chọn tổ hợp môn học

Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT).

Thay vì phải học tất cả các môn, HS chỉ phải học 8 môn bắt buộc và được lựa chọn một số môn theo năng lực, sở thích.

LOP 10 AA.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 tại Hà Nội.

Theo đó, 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục của địa phương, lịch sử; đồng thời lựa chọn 4 trong 9 môn gồm: Địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Về lý thuyết, HS có rất nhiều cách lựa chọn. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, mỗi trường THPT lại xây dựng sẵn các tổ hợp môn, chủ yếu chia thành hai nhóm: Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội để HS lựa chọn.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc lựa chọn môn học của HS cần giữ ổn định đến hết lớp 12. Nhưng, trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn sẽ được thực hiện vào cuối năm học. Khi chuyển đổi môn học, phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của các môn học mới, có xác nhận đồng ý của cha mẹ HS.

Em Đức Hải vừa đỗ vào một trường THPT quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Để chọn được tổ hợp môn học phù hợp suốt 3 năm học THPT và xét tuyển đại học là điều không dễ với em cũng như nhiều bạn khác chuẩn bị vào lớp 10”.

Đang lúng túng lựa chọn môn học của con, chị Tuyết Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Lựa chọn môn học lớp 10 gắn liền với việc chọn ngành, chọn nghề sau này của con nên gia đình tôi khá băn khoăn. Bởi hiện tại con vẫn chưa xác định rõ thế mạnh của mình về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội”.

Thực tế cho thấy, đứng trước việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10, cả HS, phụ huynh khá hoang mang với lựa chọn mang tính quyết định nghề nghiệp tương lai sau này. Còn trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh, HS đăng bài xin tư vấn về việc chọn tổ hợp.

Nhiều người bày tỏ chọn tổ hợp khó hơn cả việc đỗ vào trường, vì các con chưa thể xác định chính xác cuối năm lớp 12 sẽ thi vào khối ngành nghề gì, trường đại học nào.

Cần căn cứ nhiều yếu tố 

Đưa ra lời khuyên cho HS chuẩn bị bước vào cấp học THPT, ThS Đặng Thị Huyền Trang, giảng viên Trường chuyên KHXH&NV chia sẻ: “Các em cần có sự định hướng rõ ràng khi lựa chọn tổ hợp môn. Bởi mỗi tổ hợp môn dự kiến gắn liền với khối thi đại học, vì vậy suy nghĩ thấu đáo, tính toán kỹ yếu tố năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học.

Cô Nguyễn Ngọc Lan, giáo viên lớp 10 ở Hà Nội nhấn mạnh, việc lựa chọn tổ hợp rất quan trọng vì sẽ gắn bó với HS suốt 3 năm học. Các em lựa chọn môn học phù hợp sẽ giúp phát huy được thế mạnh của mình. Ngược lại, lựa chọn chưa phù hợp, bản thân các em không theo được hoặc vì lý do nào đó phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp. Hơn nữa, không phải HS, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp lúc nào thì nhà trường cũng có thể đáp ứng.

Theo cô Lan, việc lựa chọn tổ hợp môn học là chọn cho bản thân chứ không phải chọn theo số đông hay trào lưu. Do vậy, các em nên tìm hiểu kỹ để có lựa chọn phù hợp cho bước đường tương lai của mình, từ đó có định hướng nghề nghiệp hiệu quả sau khi ra trường.

Được biết, đầu năm học, đa số nhà trường đều tạo điều kiện để HS thay đổi việc đăng ký tổ hợp nếu có nguyện vọng. Do vậy, kể cả khi đã đăng ký tổ hợp thì HS vẫn cần nên xem xét lại nguyện vọng, sở trường, định hướng của bản thân và gia đình trong tương lai để sớm điều chỉnh (nếu có); tránh việc đến giữa hoặc hết năm học vẫn lơ ngơ muốn đổi tổ hợp hoặc chưa biết mình phù hợp tổ hợp nào. Lúc đó, người thiệt thòi nhất chính là các em.

Thanh Hòa

Báo Lao động và Xã hội số 86

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.