Học giỏi tại sao vẫn áp lực?
Minh Tuấn (lớp 12) đang học lớp chọn và luôn trong top 5 cảm thấy vô cùng áp lực khi kỳ tuyển sinh đại học đang đến gần.
Ai cũng nói gen Z bây giờ sướng, không phải thi đại học vất vả như lứa 8X, 9X ngày xưa, chỉ cần tham dự duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp THPT là có thể dùng kết quả đó để xét tuyển vào vô số trường đại học trên cả nước.
Trên thực tế, để vào được những trường đại học top đầu hoặc “săn” học bổng đi du học, thì ngoài thi tốt nghiệp THPT, các học sinh ưu tú phải “găm” sẵn cho mình một học bạ đẹp (để dùng khi trường xét học bạ).
Chứng chỉ IELTS 4.0 trở lên để được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và 5.0 trở lên để được quy đổi điểm tiếng Anh xét tuyển đại học tương đương điểm 8-10 (tùy quy định mỗi trường và điểm IELTS đạt được là bao nhiêu) và còn phải tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường đại học uy tín để dùng kết quả thi này xét tuyển đại học.
Nhiều học sinh giỏi như Minh Tuấn không chỉ tham dự một kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải thi đến 3 kỳ thi khác nhau để chuẩn bị sẵn các kết quả khả quan nhất dùng cho xét tuyển đại học.
Với IELTS, Minh Tuấn phải thi 4 kỹ năng tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết trong hai ngày. Nhà Minh Tuấn ở Bắc Ninh nên gia đình phải đưa em lên Hà Nội để tham dự kỳ thi này.
Với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, do Hà Nội quá tải, Minh Tuấn và nhiều bạn cùng lớp phải lên Thái Nguyên để dự thi.
Tính đến đầu tháng 5, Minh Tuấn đã trải qua 2 kỳ thi IELTS và đánh giá năng lực. IELTS Minh Tuấn đạt 6.5, đây chưa phải là số điểm mà em mong muốn, còn điểm thi đánh giá năng lực, Minh Tuấn được 99 điểm, số điểm này còn cách khá xa thí sinh đạt điểm cao nhất qua 3 đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua là 129/150 điểm.
Nguyện vọng lớn nhất của Minh Tuấn là vào được Trường Đại học Y Hà Nội. Với kết quả thi đánh giá năng lực mà em vừa tham dự trong tháng 4 thì dường như con đường đến với cánh cổng trường Y mà Minh Tuấn mơ ước còn khá xa.
Hiện tại, Minh Tuấn đang tập trung tối đa sức lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu dùng điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội, điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh của Tuấn phải đạt khoảng 29 điểm trở lên.
Số điểm gần như tuyệt đối này không thí sinh nào có thể chắc chắn mình sẽ đạt được, vì chỉ sai sót nhỏ ở một môn thi thôi, thí sinh sẽ có nguy cơ trượt.
Ngoài nguyện vọng 1 vào Đại học Y Hà Nội, bố Minh Tuấn muốn con học khoa Kinh tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội hoặc Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; còn mẹ Minh Tuấn lại muốn em vào khoa Toán Đại học Sư phạm
Hà Nội.
Kỳ vọng của Minh Tuấn và cha mẹ đều đặt ở những ngành và trường đại học lấy điểm xét tuyển cao, chỉ những học sinh xuất sắc mới có cơ hội trúng tuyển. Minh Tuấn học giỏi, nhưng ngoài kia cũng có vô số bạn học giỏi và cuộc đua vào các ngành học hot, trường top đầu luôn là cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Càng học giỏi, teen lại càng áp lực khi chọn trường. Trường càng chất lượng thì nguy cơ trượt càng cao.
Với những học sinh học bình thường, các em thường biết lựa sức mình, chọn trường vừa tầm, nên áp lực thi cử không quá căng thẳng; còn những học sinh học giỏi như Minh Tuấn luôn mong muốn vào được những trường top đầu, do đó mà áp lực học tập cũng tỷ lệ thuận.
Làm thế nào để giảm áp lực cho những học sinh học giỏi?
Áp lực học tập đang đè nặng trên vai những học sinh học giỏi là do chính các em tạo nên hoặc một phần do sự kỳ vọng của gia đình và thầy cô.
Đức Anh, học sinh lớp 9 tại một trường điểm, luôn đứng đầu toàn trường trong các kỳ thi tháng, nhưng chỉ một lần bị rớt hạng xuống thứ 36 mà sinh ra stress và chán nản. Kể từ đó, kết quả học tập của em ngày càng sa sút.
Người mẹ vốn luôn tự hào về cậu con trai út học giỏi nhất nhà, nhất dòng họ đã bị sốc và áp dụng “kỷ luật thép” với mong muốn Đức Anh nhanh chóng quay trở lại vị trí top đầu.
Thay vì động viên, khích lệ tinh thần con, cho con một khoảng thời gian nhất định được nghỉ ngơi để lấy sức phấn đấu tiếp thì người mẹ lại chỉ trích con hàng ngày. Trước áp lực của mẹ, cộng thêm sự thất vọng của thầy cô và các bạn khi mình tụt hạng, Đức Anh mệt mỏi đến mức chỉ muốn buông xuôi.
Chỉ đến khi Đức Anh phải đi khám sức khỏe và bác sĩ cho biết em bị đau dạ dày do stress, mẹ em mới giật mình nhận ra rằng mình đã sai khi đặt quá nhiều kỳ vọng ở con.
Vậy làm thế nào để có thể giảm áp lực học tập và thi cử cho các bạn tuổi teen vốn dĩ đã luôn học giỏi?
Những trẻ học giỏi thì thường ý thức học tập tốt, nên cha mẹ không cần phải gây quá nhiều áp lực đối với con, thay vào đó, hãy động viên, khích lệ con mỗi ngày. Hãy khuyên con ngoài thời gian học tập nên dành thời gian cho giải trí và thư giãn để cân bằng cuộc sống.
Cùng con lên kế hoạch học tập phù hợp và đưa ra các mục tiêu vừa phải, không vượt quá khả năng của con. Nếu con thất bại hoặc chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra cũng không nên tỏ thái độ thất vọng hay chê bai, cần tin tưởng trẻ có thể làm tốt hơn trong những lần tiếp theo nếu con cố gắng hơn nữa.
Hãy thưởng cho sự cố gắng của trẻ, ví dụ trong kỳ thi thử vào lớp 10 con đã làm rất tốt, hãy thưởng cho con một chuyến đi du lịch ngắn ngày hay cho phép con chơi game thỏa thích trong một ngày...
Và các bậc cha mẹ đừng quên dạy con tư duy tích cực và nhìn nhận các thách thức như một cơ hội để học hỏi và phát triển. Cha mẹ cố gắng dành thời gian thường xuyên trò chuyện, hỏi con chuyện học hành, bạn bè, chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ và cố gắng tạo môi trường học thuận lợi nhất cho con.
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 9