Quy định hạn chế học sinh (HS) sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong lớp học, thậm chí cấm sử dụng trong trường học, kể cả giờ ra chơi nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận.
Bởi, việc sử dụng điện thoại của HS tại trường trong thời gian qua không chỉ khiến các em sao nhãng việc học mà còn nảy sinh không ít hệ lụy từ mạng xã hội.
Tháng 7/2023, UNESCO đề xuất cấm điện thoại thông minh tại các trường học trên toàn thế giới. Theo số liệu của UNESCO, trên thế giới, cứ 4 quốc gia lại có 1 quốc gia cấm điện thoại thông minh ở trường học.
Chưa có năm học nào ghi nhận một làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học bùng nổ như năm học 2024 - 2025, với mục tiêu giảm thiểu sự phân tâm và cải thiện khả năng tập trung của học sinh trong trường học.
Phụ huynh, HS đồng tình
Năm 2020, Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT quy định HS không được sử dụng ĐTDĐ, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên chủ nhiệm cho phép.
Nghĩa là việc HS được sử dụng điện thoại hay không thuộc quyền của giáo viên và mỗi trường. Năm học 2024 - 2025, nhiều trường học đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn, đó là cấm sử dụng điện thoại trong trường học.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành quy định HS không được sử dụng điện thoại trong lớp học và được áp dụng từ ngày 11/10 tại các trường học trên toàn thành phố. Trước khi quy định này được ban hành, một số trường học cũng đã cấm HS sử dụng điện thoại trong trường, giờ học.
Đầu năm học 2024 - 2025, một số trường tại TPHCM quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, trừ những tiết được giáo viên cho phép hoặc giờ ra chơi.
Em Anh Tuấn, HS Trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trường quy định đầu giờ, HS sẽ phải nộp điện thoại vào tủ, kết thúc buổi học sẽ được trả lại.
Em Nguyễn Trọng Thanh, HS lớp 11 (quận Bình Thạnh, TPHCM) ủng hộ quy định cấm sử dụng điện thoại ở trường. Theo Thanh, phần lớn bạn bè dùng điện thoại chơi game, lướt mạng. Khi không có điện thoại, các bạn sẽ chơi thể thao, tương tác với nhau nhiều hơn.
Có con học lớp 11, chị Thúy Hường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng vì trường thu điện thoại. "Con gái tôi dùng điện thoại vào mạng xã hội, quay Tiktok hay chat Zalo, Messenger, vào Facebook… nếu cấm thì cháu tỏ thái độ khó chịu.
Thế nên, tôi và các phụ huynh trong lớp hoàn toàn ủng hộ quy định của trường, thậm chí mong trường làm chặt hơn nữa", chị Hường nói.
Hiệu quả hơn trong việc học tập
Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) khẳng định, quy định HS không được sử dụng ĐTDĐ được triển khai ở nhiều lớp với sự thống nhất giữa giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ HS, thực tế ngăn ngừa được nhiều nguy cơ tiêu cực. HS tập trung học tập tốt hơn, tăng thời gian tương tác trực tiếp với bạn bè giờ ra chơi.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho biết, trường quy định HS không được mang ĐTDĐ tới lớp. “Em nào mang điện thoại phục vụ hoạt động liên lạc, phụ huynh phải trao đổi với giáo viên chủ nhiệm.
Vào lớp, HS tự giác để vào tủ chứa điện thoại và nhận lại khi kết thúc buổi học. Trường hợp cần sử dụng điện thoại khi tham gia hoạt động giáo dục, thầy cô sẽ thông báo tới phụ huynh và có hướng dẫn cụ thể với HS. Khi làm tốt thói quen này, các em sẽ tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè nhiều hơn. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc cũng như hoạt động văn hóa thể thao cho HS”.
Thời gian qua, hàng loạt trường học tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước cấm HS dùng ĐTDĐ trong khuôn viên trường học, kể cả giờ ra chơi.
Các cán bộ quản lý nhà trường cho rằng, đây là giải pháp giúp HS tập trung hơn trong học tập, ghi nhớ bài giảng và kết nối với thầy cô, bạn bè, mang lại hiệu quả cao hơn cho việc học tập và sinh hoạt ngoại khóa.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam ủng hộ việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, trừ khi có sự cho phép của giáo viên vào mục đích học tập. Điều này nhằm giúp các em giữ mối tương tác với thầy cô và bạn bè.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng ban hành quy định về việc này. Đến lớp học, HS phải tuân thủ nội quy của trường và tích cực tham gia hoạt động học tập, văn hóa, thể thao; tránh xa tệ nạn và cạm bẫy trên mạng xã hội.
Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo và phụ huynh cần quyết liệt và mạnh mẽ trong việc cấm HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp học với mục đích không phục vụ học tập.
Ngoài ra, để giúp HS thích nghi và hình thành thói quen mới, song song với việc nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại, nhà trường cần tạo nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu của HS để thu hút các em tham gia trong giờ ra chơi.
Hòa Cù
Báo Lao động và Xã hội số 128