Bởi một trong những nguyên nhân chính khiến học thêm vẫn tồn tại chính là áp lực từ các kỳ thi. Cùng với đó, chương trình học vẫn “nhồi nhét” đủ kiến thức hàn lâm, thiếu thực tiễn thì dù cơ quan quản lý cấm thì việc dạy thêm học thêm cũng sẽ biến tướng.
Các trường không có học thêm, dạy thêm

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 14/2 với nhiều điểm mới. Trong đó, nổi bật là quy định không dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Thông tư 29 đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội, nhiều ý kiến ủng hộ tinh thần của thông tư khi đưa việc dạy thêm, học thêm trở về đúng nghĩa tự nguyện, hướng tới việc không cần dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong thông tư dù khá "trúng" nhưng đây có phải là "liều thuốc" duy nhất để giải quyết triệt để việc lạm dụng dạy thêm, học thêm hay không?
Để quản lý hiệu quả việc dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT vừa ban hành các quy định cụ thể để quản lý việc dạy thêm, học thêm như: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh;
Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá (kiểm tra, đánh giá, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh); cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh; tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng quy định; vận động phụ huynh đồng thuận, ủng hộ các giải pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho nhà giáo, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang tham mưu các chính sách cho nhà giáo, trong đó dự án Luật Nhà giáo, nếu được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cũng sẽ mang lại những chính sách đãi ngộ tích cực.
Siết chặt kỷ cương, đảm bảo chất lượng giáo dục
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến học thêm vẫn tồn tại chính là áp lực từ các kỳ thi.
Việc tuyển sinh vào THPT, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ chọi cao như Hà Nội, TPHCM khiến nhiều gia đình phải chạy đua tìm suất vào trường công lập. Khi tỷ lệ cạnh tranh cao, 1 chọi 5, hoặc 1 chọi 2, nhiều học sinh không có cơ hội vào trường công nếu không có học bạ tốt và lực học vững vàng.
Chính vì mong muốn có suất vào trường công lập, nhiều học sinh phải đi học thêm, bởi chương trình giảng dạy trong nhà trường chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản.
Trao đổi về vấn đề trên, PGS, TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng dạy thật, học thật ngay tại trường, để học sinh có đủ kiến thức tham gia lớp học tiếp theo và trải qua các kỳ thi mà không cần học thêm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận, việc dạy thêm, học thêm đã có nhiều biến tướng, gây không ít bức xúc cho xã hội. Nguyên nhân một phần đến từ việc giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nên có tình trạng "chân trong, chân ngoài".
Khi thu nhập giáo viên đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, dạy thêm sẽ không còn là nhu cầu bức thiết. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo thực sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.
"Theo tôi, cần giải quyết tận gốc những vấn đề trên, chứ không phải cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình, nhưng lại cho phép học thêm, dạy thêm ở ngoài nhà trường.
Cha mẹ cần đồng hành với con, với giáo viên và nhà trường trong việc hình thành thói quen tự học cho con; không nôn nóng chạy theo điểm số và thành tích bởi suy cho cùng kỹ năng tự học mới là yếu tố quan trọng, cần thiết đối với các em trên hành trình học tập suốt đời”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cù Hòa
Báo Lao động và Xã hội số 22