Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Con phản ứng tiêu cực khi bị thu điện thoại: Cha mẹ nên hành xử thế nào?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Điện thoại thông minh ngày càng thông dụng với học sinh, phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin trong học tập, cập nhật các vấn đề cần trao đổi với thầy cô, nhóm lớp, liên lạc với gia đình, đặt xe đưa đón…

Tuy nhiên, từ việc sử dụng dẫn đến lạm dụng, khi bị cha mẹ cấm đoán, tịch thu điện thoại, trẻ có những phản ứng tiêu cực. Lúc này, phụ huynh cần hành xử thế nào để không đẩy con đến hành động thiếu suy nghĩ?

Những câu chuyện đau lòng

Tháng 10/2021, nam sinh (14 tuổi, tỉnh Đồng Tháp) từng là học sinh ngoan đã uống thuốc trừ sâu. Trước đó, do phải học trực tuyến thời gian dài nên em đã nghiện game online. Mỗi lần xin tiền mẹ nạp 3G để học tập, cậu lại xin nhiều hơn để nạp thẻ chơi game.

Sau khi bị người nhà phát hiện và quát mắng, nam sinh đã uống 1/4 chai thuốc sâu và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM trong tình trạng nguy kịch.

ảnh nghiện game.jpg
Phụ huynh và nhà trường nên quản lý sát sao việc học sinh sử dụng điện thoại, truy cập internet sao cho phù hợp, hạn chế cấm đoán cực đoan (Ảnh: T.H).

Hay trường hợp nam sinh B.Đ.K. (học sinh lớp 8, Trường THCS Ngô Mây, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) sau khi bị mẹ mắng vì chơi game đã để lại thư tuyệt mệnh rồi treo cổ tự tử sáng 8/4/2022.

Hôm xảy ra sự việc, do không có thời khóa biểu học online nên K. chơi game trên điện thoại thì bị mẹ phát hiện, la mắng. Sau đó, mẹ K. ra vườn hái tiêu.

Đến khoảng 9h cùng ngày, không thấy con ra phụ hái tiêu nên mẹ K. vào nhà để kiểm tra    thì phát hiện K. đã tử vong trong nhà bếp. Gia đình đã đưa K. đi cấp cứu nhưng không kịp.

Chia sẻ về phản ứng tiêu cực của con khi bị cấm dùng điện thoại, chị Hoàng Hải Yến (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 8, cứ mỗi chiều đi học về là chốt cửa phòng, nói là học bài nhưng lại thường sử dụng điện thoại quá đà.

Con thường dùng điện thoại để chơi game, lướt Tiktok, chat… nói chung, tôi cũng không quản lý được. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường của con, tôi tịch thu điện thoại thì con tỏ thái độ cáu gắt, hờn dỗi, lầm lì, bướng bỉnh, cãi lại lời cha mẹ… Lúc ấy, tôi phải nhịn và nói năng mềm mỏng với con”.

Cha mẹ nên làm gì?

Cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc sử dụng smartphone hay máy tính không có lỗi, vấn đề quan trọng nhất là sử dụng sao cho đúng cách. Học sinh sử dụng điện thoại là cần thiết vì đây là sự tiến bộ của công nghệ, có thể học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, hỗ trợ rất tốt cho việc học tập”.

TS Nguyễn Thị Hương, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Tham vấn tâm lý và giáo dục Sunrise (Hà Nội) cho rằng, việc trẻ tự tử chỉ vì bị cấm chơi game, tịch thu điện thoại, máy tính không hiếm. Trẻ em, nhất là lứa tuổi THCS, có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, tâm tư không ổn định, muốn thể hiện bản thân, tập làm người lớn và đôi khi rất bướng bỉnh, nổi loạn và ít chia sẻ với bố mẹ.

Một số em coi điện thoại như tài sản quý, thông qua đó tìm kiếm bạn chia sẻ tâm tư tình cảm, đôi khi khó nói. Nếu cấm sử dụng điện thoại, truy cập internet, các em sẽ cảm thấy buồn bực vì không được giao lưu và giải trí, nên rất dễ phản ứng tiêu cực ngoài tầm kiểm soát, thậm chí tìm đến cái chết.

Để hạn chế, phòng ngừa những vụ việc đau lòng, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hương đưa ra lời khuyên: Phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của các con, không nên cấm con sử dụng điện thoại một cách cực đoan bởi ai cũng biết mặt tích cực của nó.

Để quản lý sát sao việc con mình sử dụng điện thoại, phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn với con về thời gian, mục đích sử dụng, tuyệt đối không truy cập vào các hội nhóm, trang mạng chứa thông tin tiêu cực, đồi trụy.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần giải thích cho con hiểu, việc bố mẹ kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại của con không phải là cấm đoán mà chỉ muốn con có được sự cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, từ đó đảm bảo cho con những trải nghiệm trên internet một cách phù hợp.

“Cha mẹ dành càng nhiều thời gian cho con thì thời gian sử dụng điện thoại di động của con càng giảm”, TS. Hương nói.

“Ngoài ra, nếu muốn để con mang điện thoại đến trường để thuận tiện cho việc liên lạc, phụ huynh cần nhắc nhở con tuân thủ tuyệt đối nội quy sử dụng điện thoại do nhà trường đề ra.

Bên cạnh đó, nếu con trẻ chẳng may vi phạm quy định của trường, giáo viên cũng không nên giải quyết quá cứng nhắc, đặc biệt là phải mềm mỏng trong giao tiếp với các em để tránh gây ra cảm xúc tiêu cực cho học sinh”, TS Hương lưu ý.

Thùy Hương