Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Con trẻ cần gì ở cha mẹ?

LĐXH
LĐXH

Đây là một câu hỏi mà dường như bậc cha mẹ nào cũng trăn trở suy nghĩ. Cha mẹ nào cũng yêu con, nhưng liệu bạn đã yêu thương đúng cách để con trẻ được sống vui vẻ và hạnh phúc?!

Nhiều trẻ không tin tưởng cha mẹ

Trẻ em hiện đại đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: áp lực học tập, bạo lực học đường, sự phân biệt đối xử, cha mẹ ly hôn, anh chị em bất hòa, thiếu không gian vui chơi an toàn và lành mạnh, có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, các tệ nạn xã hội bủa vây…

me1.jpeg
Nhiều bậc cha mẹ chỉ biết la hét và quát mắng con cái khi chúng làm sai mà không phân tích cho trẻ thấy sai ở đâu và cần làm gì để khắc phục (Ảnh minh họa).

Ngày càng có nhiều trẻ em gọi điện đến các đường dây nóng để được tư vấn về tâm lý và gỡ rối những khó khăn mà chúng đang gặp phải thay vì trao đổi với cha mẹ. Tỷ lệ tự tử ở trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng trên toàn thế giới. Là cha mẹ, bạn có biết trẻ đang nghĩ gì và cần gì từ mình?

N.V.A. (học sinh lớp 9) cho biết, em hầu như không tâm sự với cha mẹ. Cha mẹ em ly hôn, em ở với bố. Bố không thích em liên hệ với mẹ, nên khi mẹ gọi điện đến máy bố, bố hiếm khi chuyển máy cho em. Em cũng ít khi trò chuyện với bố vì bố lúc nào cũng bận rộn và luôn tỏ ra nghiêm khắc, thậm chí là cau có nếu kết quả học tập của em không tốt.

T.P.H. (học sinh lớp 7) cũng hiếm khi trò chuyện với bố mẹ. Bố hay chê bai H. nên em có cảm giác mình làm gì cũng không vừa lòng bố; còn mẹ của H. thì quá bận với việc chăm em bé mới sinh.

Trao đổi trong ngày giữa H. với bố mẹ nếu có thường chỉ xoay quanh chuyện học hành. H. cảm thấy thật lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Em thường nói chuyện với một vài người bạn cùng ở trong một hội nhóm trên mạng mà em là thành viên.

Cuộc sống càng hiện đại thì dường như khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng cách xa. Trẻ ít trò chuyện với cha mẹ vì không tìm được tiếng nói chung và giữa cha mẹ với con cái thiếu sự đồng cảm, tin tưởng lẫn nhau.

Nhiều trẻ thà tâm sự với người lạ chưa từng gặp mặt chứ không muốn kể về những khó khăn và vướng mắc đang gặp phải với cha mẹ mình.

Anh minh hoa 2.jpg
Yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em là tình yêu vô điều kiện của cha mẹ (Ảnh minh họa).

Điều con trẻ thực sự cần ở cha mẹ

Trẻ em không cần những bậc cha mẹ qúa hoàn hảo (như nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ và cố gắng theo đuổi), điều chúng cần đôi khi chỉ là được cha mẹ lắng nghe và thấu hiểu, được tin tưởng và đồng hành.

Theo Tiến sĩ Nancy Darling, giảng viên tâm lý Đại học Oberlin, Ohio (Mỹ), có 3 điều trẻ em thực sự cần ở cha mẹ đó là: Tình yêu vô điều kiện; Được cha mẹ thấu hiểu cảm xúc; Được tin tưởng và kỳ vọng đúng mức.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em là tình yêu vô điều kiện. Đứa trẻ cần biết rằng dù chuyện gì xảy ra, chúng vẫn có bố mẹ ở đằng sau yêu thương và bảo vệ.

“Phụ huynh cần là nơi trú ẩn an toàn, đó là nơi trẻ tìm đến khi sợ hãi, căng thẳng hay mệt mỏi”, Tiến sĩ Darling nhấn mạnh.

Tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia tâm lý học Ross Campbell nổi tiếng thế giới với cuốn sách “How to really parent your child?” - “Con trẻ cần gì ở cha mẹ?” cũng cho biết, yêu thương con cái không thôi chưa đủ, chúng ta phải học cách để làm sao có thể lấp đầy khao khát yêu thương của một đứa trẻ.

Cha mẹ thường yêu thương con mình bằng tình yêu thương có điều kiện dựa trên cách cư xử của đứa trẻ thay vì yêu thương con trẻ vô điều kiện - điều mà một đứa trẻ luôn khát khao và cần có nhất.

Những cách biểu đạt tình cảm của cha mẹ không chỉ đáp ứng nhu cầu yêu thương, mà còn góp phần hình thành nên tâm lý và tính cách về sau của con trẻ.

Khi con trẻ cảm thấy an toàn trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, chúng sẽ dễ dàng tiếp nhận những kỷ luật và hướng dẫn từ cha mẹ mình hơn. Cha mẹ cần đặt lợi ích của con lên hàng đầu thay vì phản ứng giận dữ với hành vi của đứa trẻ. Người cha, người mẹ nắm bắt được cách nuôi dạy con cái này sẽ là những người thành công trong việc hướng con tới những hành vi, lối cư xử có trách nhiệm.

Một trong những khó khăn của các ông bố bà mẹ là việc không thể kiểm soát được cơn giận của mình. Rất nhiều bậc phụ huynh cố gắng dạy con làm sao để kiểm soát cơn tức giận một cách có trách nhiệm, song chính bản thân họ lại không hành xử như vậy.

Khi thấy trẻ hành động sai trái, thay vì phân tích cho trẻ thấy sai ở đâu và cần làm gì để khắc phục hậu quả, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết la hét và quát mắng khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng.

Trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ nếu được người lớn động viên và mong đợi ở chúng những điều tốt đẹp. Đặt ra các kỳ vọng phù hợp với năng lực của trẻ là cách để cha mẹ thể hiện tình yêu với con.

Cha mẹ nên giao cho trẻ một số việc nhà để con cảm thấy mình là người cần thiết. Bên cạnh đó, đừng quên khen ngợi những việc trẻ làm tốt và phê bình những hành vi xấu.

Thế giới càng hiện đại thì các cạm bẫy, tệ nạn xã hội càng xuất hiện nhiều và bủa vây, tấn công trẻ em. Làm cha mẹ, bên cạnh việc yêu thương con vô điều kiện thì bạn cũng không nên buông lỏng vấn đề quản lý con cái.

Cha mẹ cần quản lý thời gian con tiếp xúc với phim ảnh, truyền hình, chơi điện tử hay dùng máy vi tính.

Chúng ta không thể cô lập bọn trẻ khỏi nền văn hóa đang thay đổi từng ngày nhưng chúng ta phải có trách nhiệm giúp con em mình sàng lọc những ảnh hưởng không tốt có thể phá hoại cuộc đời chúng.

Bình Yên