Mong muốn của con hay nguyện vọng của bố mẹ?
Khi các tỉnh, thành công bố điểm thi vào lớp 10 THPT, các trường chuyên, trường điểm công bố điểm chuẩn, bên cạnh những chuyện vui cũng có bao câu chuyện buồn:
Chuyện về một nam sinh đã nhảy cầu ngay khi biết điểm thi; chuyện nhiều cha mẹ lên mạng chia sẻ nỗi buồn, sự tiếc nuối khi con không đủ điểm vào trường chuyên, lớp chọn; chuyện một học sinh giỏi khi trượt nguyện vọng 1 đã bị bố mẹ ngó lơ, coi là đứa trẻ thất bại; cả những chuyện bố mẹ tự hào khoe con được điểm cao…
Tất cả chuyện đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, bởi tôi cũng từng giống như những bậc cha mẹ, cũng từng kỳ vọng con mình sẽ phải học trường chuyên, hay ít nhất cũng phải chất lượng cao. Tuy nhiên, sau những trải nghiệm, tôi nhận ra, nhiều khi mong muốn học trường điểm chỉ là nguyện vọng của bố mẹ, chứ không phải là mong muốn của con.
Thậm chí, con không thích học trường điểm vì trường xa, bạn lạ, hoặc con sợ không theo kịp, con chỉ thích học trường làng, nhưng chính bố mẹ cứ ép con thi vào trường điểm để được “nở mày nở mặt” với thiên hạ.
Tôi xin chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.
Nhà tôi ở ngoại ô, vào trung tâm thành phố hơn 15km. Khi cậu con trai đầu học xong bậc Tiểu học, vợ chồng tôi quyết cho con vào học tại một trường điểm ở trung tâm thành phố. Để vào được trường này, con đã phải trải qua một kỳ thi khá căng thẳng. Bên cạnh đó, tôi cũng phải vận dụng nhiều mối quan hệ để đăng ký tạm trú cho con ở quận nội thành.
Khi biết phải nhập học ở một trường xa nhà, con ngỡ ngàng vì xa bạn bè bao năm thân thiết, nhưng là cha mẹ, chúng tôi có lý do cho lựa chọn của mình: trường có chất lượng dạy và học rất tốt, lại gần nơi cả hai bố mẹ làm việc. Con trai tôi im lặng đồng ý, vì biết bố mẹ đã phải vất vả và cố gắng nhiều để mình được học ở ngôi trường mà bao phụ huynh khác cũng mơ ước.
Trường học ở xa nên cả nhà phải cố gắng, ngày nào cũng tất bật dậy sớm. Vợ chồng tôi đi xe máy vượt mưa nắng quãng đường hơn 15km đưa đón con. Rồi khi tích cóp mua được ô tô, tưởng sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng thành phố đông đúc, nhiều khi đường tắc, thật khó khăn để đưa con tới được cổng trường học đúng giờ. Ở lớp của con trai tôi cũng có nhiều bạn hoàn cảnh như con, phải học ở trường xa nhà, một số bạn phải gắng gượng để theo học.
Lịch học kín mít nên suốt mấy năm học THCS, ngoài học văn hóa, học thêm, con hầu như không tham gia môn năng khiếu yêu thích nào. Con cũng gần như không có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa suốt ba năm (lớp 6,7,8) bởi phải tham gia các lớp học thêm để theo kịp bạn bè trong lớp.
Thỉnh thoảng, trên đường, tôi không quên chỉ cho con ngôi trường THPT có tiếng ở một quận nội thành. Đó chính là trường THPT mà vợ chồng chúng tôi muốn con trai thi vào sau này.
Trong những câu chuyện ở nhà, cả tôi và chồng cũng thường kể những tấm gương anh A, chị B là con các cô, bác mà gia đình quen biết đã đỗ vào các trường chuyên, trường điểm. Chúng tôi muốn đó là những tấm gương để con nỗ lực noi theo, cố gắng đỗ trường chuyên, hay chí ít cũng vào được lớp chọn của một trường điểm.
Con vui khi học “trường làng”!
Năm cuối ở trường THCS, con trai tôi bộc bạch niềm mong ước được chọn nguyện vọng 1 là đăng ký vào ở trường THPT gần nhà, như mọi người thường gọi là “trường làng”.
Vợ chồng tôi quá bất ngờ. Tôi bắt đầu than vãn, còn chồng tôi giấu sự bực bội trong những tiếng thở dài. Không khí trong gia đình căng như dây đàn.
Sau một tuần, vợ chồng tôi đã chuyển từ giận và căng thẳng sang “chiến thuật” thủ thỉ, hết lời động viên con. Thế nhưng, trước sau con trai tôi vẫn muốn được thi và học “trường làng”.
Mặc dù vẫn rất tin năng lực học tập của con ở những trường đòi hỏi nhiều thử thách, nhưng ý nguyện của con cũng đã khiến chúng tôi suy nghĩ lại. Đúng là khi quyết định cho con học trường gần nhà, vợ chồng tôi đã qua nhiều cân nhắc, có thể rất khó khăn nữa. Nhưng lắng lại, nghe những tâm sự của con, tôi không thấy tiếc nuối vì đã trao cho con cơ hội để tự quyết.
Khi con tự "bẻ lái" mục tiêu từ trường thành phố danh tiếng sang trường làng ở top vừa phải thì kỳ thi vào lớp 10 năm đó với con thật nhẹ nhàng. Ba năm học ở ngôi trường làng thân yêu này, con đã thật sự trưởng thành. Với con, mỗi ngày đến học trường làng là một ngày vui và hạnh phúc.
Ngoài học kiến thức trên lớp, con còn được tham gia đá bóng, trải nghiệm với thiên nhiên và tích cực với các hoạt động thiện nguyện. Được học trong sự thoải mái và tự tin nên kết quả học của con khá tốt, con đỗ vào một trường đại học mà mình mong muốn.
Chia sẻ chuyện riêng, nhưng tôi tin đây cũng là chuyện chung của nhiều gia đình mỗi mùa tuyển sinh, khi đứng trước quyết định lựa chọn con học trường gì, ở đâu.
Khi chọn trường cho con, bố mẹ hãy lắng nghe nguyện vọng của con. Bố mẹ đừng coi con trẻ như một vật sở hữu, để rồi tự ý quyết định trường học mà không hỏi ý kiến của con. Bởi vì, nếu bị ép học thì dù con có vào được trường điểm trẻ cũng không vui vẻ, thậm chí có thể nảy sinh tư tưởng việc học không phải là của mình mà đang học cho bố mẹ.
Nam Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 13