Không ai có thể phủ nhận lợi ích của dân ca đối với việc hình thành nhân cách con người, nhất là trẻ thơ. Hát dân ca, tìm hiểu dân ca, bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca đặc sắc là tình cảm và trách nhiệm của mỗi người con đất Việt.
Đưa dân ca vào trường học, đó chính là một trong những cách bảo tồn tốt nhất, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất nhằm giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống.

Cố nhạc sĩ Trần Kiết Tường từng nhận xét: “Dân ca là vốn âm nhạc dân gian vô cùng quý báu để chúng ta hiểu rõ về mình, về dân tộc mình. Hơn thế nữa, sở dĩ nó quý báu vì nó là cơ sở của mọi sáng tạo âm nhạc hiện đại”.
Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: “Cần phát huy việc dạy hát trong gia đình, trong nhà trường, cần phải có giờ dạy hát dân ca. Cứ như thế, nghệ thuật âm nhạc truyền thống mới thấm dần vào con người Việt Nam”.
Đưa các làn điệu dân ca đặc trưng của vùng miền, dân tộc vào giảng dạy tại các trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số là cách làm sáng tạo của ngành Giáo dục trong những năm học qua. Từ các tiết học đó, học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống đặc trưng của đồng bào mình, góp phần gìn giữ bản sắc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Giúp học sinh tiếp cận văn hóa dân tộc
Thông qua hoạt động ngoại khóa, học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Nước Oa (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) đã “dạy” cho nhau cách múa, hát dân ca, đánh trống chiêng,… góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Các hoạt động ngoại khóa với nội dung truyền dạy múa, hát dân ca, dân vũ, đánh trống chiêng, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, hội thi ẩm thực dân tộc… luôn được Trường tổ chức thường xuyên.
Nhằm giáo dục di sản, bồi đắp niềm tự hào và nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cho học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS), khoảng 6 năm trước, nhà trường đã mời các nghệ nhân gạo cội người Ca Dong (thuộc dân tộc Xơ Đăng), người Cor (ở xã Trà Bui, Trà Kót) trực tiếp về trường dạy múa, hát dân ca, đánh trống chiêng cho các em.
Trong quá trình truyền dạy, các động tác múa, tiết tấu, lời hát, thanh điệu trống chiêng… được ghi âm, ghi hình lại để nhân rộng và linh hoạt trong thực hiện mô hình "Học sinh dạy học sinh di sản".
Cô giáo Hồ Thị Hiến, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Nhà trường đã thành lập, duy trì các đội văn nghệ, múa hát dân ca, đánh trống chiêng; đồng thời phát động tập luyện, thi đua giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm, học sinh mới tuyển sinh sẽ được các anh chị khối lớp trên truyền đạt, hướng dẫn lại cách múa, đánh trống chiêng, hát dân ca, nghi thức trong các lễ hội truyền thống các dân tộc thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt thường nhật sau giờ học ở ký túc xá”.
Em Nguyễn Thị Thùy Trâm (lớp 9/2, người Cor) chia sẻ: “Khi nhập học, em đã được truyền dạy bản sắc văn hóa của người Cor. Đến nay, em tự tin, mạnh dạn múa cồng chiêng ở lớp và tham gia các hội diễn có quy mô ngoài nhà trường. Em còn biết ý nghĩa, thông điệp các biểu tượng, màu sắc hoa văn trên áo quần, chuỗi cườm, nơ chít đầu, buộc tóc… của người Cor cũng như của dân tộc Ca Dong, M’Nông, Mường”.
Gần đây, tại các lễ hội, hội thi ở địa phương hoặc cấp tỉnh, đoàn diễn viên học sinh Trường PTDTNT THCS & THPT Nước Oa luôn sôi nổi tham gia nhiều tiết mục múa, hát dân ca, đánh trống chiêng, tái hiện các nghi thức truyền thống đặc sắc, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc ở địa phương.
“Làn gió mới” tạo nguồn năng lượng tích cực trong trường học

Nhảy dân vũ là hình thức luyện tập lành mạnh, bổ ích cho trẻ em đang độ tuổi hiếu động, thích ca hát, nhảy múa. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh, nhiều trường đã đổi mới bài thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ thành những bài dân vũ sôi động giúp học sinh có tinh thần vui vẻ, giảm căng thẳng, tạo phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi trong các nhà trường.
Những tiết mục dân vũ, điệu múa dân gian hay điệu nhảy đường phố là “làn gió mới” trong hoạt động tập thể của nhiều trường học ở Điện Biên.
Trong giờ ra chơi ở Trường PTDTNT THPT huyện Tuần Giáo, khi tiếng nhạc “Xuân về trên rừng núi” bắt đầu vang lên, những học sinh trong bộ trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số bắt đầu với điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng và đồng đều.
Thầy Hiệu trưởng Cao Văn Bằng chia sẻ: “Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã hướng dẫn cho học sinh luyện tập một số điệu nhảy dân vũ mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mới tập luyện, nhiều học sinh còn e ngại, nhút nhát. Chỉ sau một tuần luyện tập, các em đã nhớ được các động tác và thực hiện nhịp nhàng theo điệu nhạc.
Trên sân trường, các em học sinh đã tự tin sải bước theo điệu nhạc như để trôi đi mệt mỏi sau giờ học căng thẳng và để nạp thêm năng lượng cho các tiết học tiếp theo. Khỏe, đẹp, vui tươi là thông điệp của hoạt động thể dục giữa giờ mà nhà trường mong muốn gửi tới học sinh”.
Có thể nói, thông qua việc dạy các làn điệu dân ca và những điệu múa dân gian đã khơi gợi tình yêu dân ca, dân vũ trong các em học sinh, từng bước tạo ra lớp công chúng trẻ yêu thích nghệ thuật dân gian.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 14