Khi mới về công tác tại Báo Lao động và Xã hội (nay là Báo Dân trí, Bộ LĐ-TB&XH), tôi được phân công viết về lĩnh vực trẻ em. Trong chuyến công tác đầu tiên đến tỉnh Tuyên Quang, tôi có dịp tiếp xúc các em nhỏ thuộc hộ nghèo được tặng bò giống.
Gia đình các em rất nghèo, hai con bò giống là tài sản lớn nhất. Các em lại là người dân tộc thiểu số nên rất ngại giao tiếp, đặc biệt là với người lạ. Khó khăn nhất đối với tôi lúc đó là không biết làm thế nào để các em trả lời.

Hôm đó có cả cán bộ xã, huyện đến nhà các em cùng phóng viên nhưng hỏi gì các em cũng nhất định không trả lời.
Khi mọi người đã định về thì tôi đi lại hướng trồng cỏ cho bò và nói: "Cỏ này em nên cắt thường xuyên thì sẽ có cỏ non thường xuyên, bò sẽ thích ăn hơn đấy". Nói rồi tôi lấy liềm và cắt một nắm cỏ lại cho bò ăn.
Cô bé hết nhìn tôi rồi lại nhìn hai con bò ăn cỏ. Rồi tôi tiếp: "Em có thể lấy phân bò để bón cho cỏ, sẽ nhanh tốt và cỏ non hơn. Rơm rạ cất để mùa đông lạnh, không có cỏ bò vẫn có thức ăn". Cô bé nhìn tôi rồi lí nhỉ hỏi: "Bò ăn cả cây lúa khô (rơm - PV) ạ?".
Thế rồi, hai chị em cứ thế thủ thỉ chuyện trò. Em bảo: "Em mong bò sẽ khỏe mạnh, nhanh lớn và sinh nhiều bê con. Chúng em sẽ chăm đàn bò thật tốt có thể bán lấy tiền, để bố mẹ không còn phải vất vả đi làm thuê mà có thể ở nhà cùng con. Hôm trước, các chú tặng bò bảo, nếu nuôi con bò lớn có thể bán được mấy chục triệu đấy"...
Nghe những điều ước của các em mà không ai hôm đó cầm được nước mắt. Tôi xin phép chụp ảnh các em đang chăm sóc hai con bò giống, các em vui vẻ đồng ý. Đấy cũng là bài học cho tôi, để phỏng vấn trẻ em, trước hết phải đặt mình vào vị trí của trẻ, làm bạn với trẻ.
Vân Khánh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 11