Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Ðổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn: Chấm dứt tình trạng học thuộc văn mẫu

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Hai năm học vừa qua, một số trường đã bắt đầu ra đề kiểm tra môn Ngữ văn có sử dụng các văn bản mới theo tỉ lệ nhất định để học sinh làm quen và dần thích ứng.

Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường học tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ thuộc bài hoặc sao chép văn mẫu.

Chủ trương này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên cũng như phụ huynh và học sinh.

Tránh sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa để ra đề Ngữ văn 

Ðổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn: Chấm dứt tình trạng học thuộc văn mẫu - 1
Các bậc cha mẹ hãy tạo thói quen đọc sách cho con để bồi đắp thêm tình yêu văn học ở trẻ. 

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 gửi các Sở GD&ĐT. Trong đó, đối với kiểm tra đánh giá học sinh THCS-THPT, Bộ GD&ĐT yêu cầu không kiểm tra vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình.

Riêng môn Ngữ văn theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT hướng dẫn trường học tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ thuộc bài hoặc sao chép văn mẫu.

Trong hướng dẫn năm học mới, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Học sinh lớp 12 được làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT mới.

Năm học tới, tất cả các cấp, các khối lớp đều thực hiện chương trình GDPT 2018.

Chủ trương này được hầu hết các giáo viên, phụ huynh và học sinh ủng hộ. Thực ra, không phải đến năm học này, các trường học mới áp dụng việc tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh trong môn Ngữ văn.

Vấn đề này đã được triển khai từ năm học 2022-2023 khi Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. 

Hai năm học vừa qua, một số trường đã bắt đầu ra đề kiểm tra môn Ngữ văn có sử dụng các văn bản mới theo tỉ lệ nhất định để học sinh làm quen và dần thích ứng.

Điểm mới là năm học 2024-2025, các khối lớp 5, 9, 12 cũng sẽ thực hiện chương trình GDPT 2018; từ năm học này, tất cả các cấp, các khối lớp đều cùng thực hiện chương trình GDPT mới.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh

Ðổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn: Chấm dứt tình trạng học thuộc văn mẫu - 2

Việc ra đề kiểm tra không sử dụng ngữ liệu có trong sách giáo khoa giúp phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT, tránh hiện tượng dạy và học Ngữ văn kiểu đọc chép, học sinh học thuộc lòng hoặc học tủ, học theo văn mẫu.

Thay vào đó, các em sẽ chủ động, sáng tạo hơn trong việc tiếp nhận kiến thức và nâng cao kỹ năng cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học theo yêu cầu, mức độ của từng lớp học, cấp học. 

Trong bối cảnh cùng một chương trình GDPT 2018 nhưng các trường dùng các bộ sách giáo khoa khác nhau thì thi kiểm tra đánh giá định kỳ, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi chọn học sinh giỏi các cấp sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa sẽ đảm bảo tính khách quan và công bằng đối với tất cả các thí sinh.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của giáo viên hiện nay là làm sao có thể lựa chọn được ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp với trình độ của học sinh và không gây tranh cãi. Hơn nữa, nguồn ngữ liệu sách điện tử trên Internet rất phong phú, nhưng nhiều thông tin chưa được kiểm duyệt, một số văn bản không thể tùy tiện sử dụng vì có thể vi phạm bản quyền.

Mặt khác, do không có ngân hàng đề thi chung, việc ra đề của mỗi trường lại có quy định khác nhau, nên việc kiểm tra định kì môn Ngữ văn hiện nay đang rơi vào tình trạng “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm.

Nhiều giáo viên phải tự mày mò và thử nghiệm trong việc lựa chọn ngữ liệu để ra đề nên khó tránh việc ngữ liệu có thể không phù hợp, gây tranh cãi hoặc ngữ liệu quá dài khiến học sinh gặp khó khăn khi đọc hiểu và phân tích.

Do vậy, nhiều giáo viên bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm huy động đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm xây dựng ngân hàng ngữ liệu cho môn Ngữ văn, để chủ trương này được triển khai một cách thuận lợi, đồng bộ và nhịp nhàng hơn.

Khi biết thời gian tới đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ hạn chế sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, nhiều học sinh cảm thấy hoang mang, lo lắng. Các em không biết sẽ phải học gì, đọc gì, ở đâu để có thể làm được bài thi tốt, đạt được điểm cao.

Để nâng cao chất lượng học môn Ngữ văn, cũng là nâng cao năng lực Ngữ văn của học sinh, giáo viên và cha mẹ cần chỉ cho học sinh thấy những ích lợi của việc làm đề thi Ngữ văn mở.

Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần tạo thói quen đọc sách cho con (nếu trẻ không thích đọc sách chữ thì nghe sách nói hoặc nghe Podcasts - tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên Internet) khi rảnh rỗi hoặc khi di chuyển cũng là cách bồi đắp tình yêu văn học cho trẻ, giúp trẻ cải thiện khả năng cảm thụ tác phẩm và kỹ năng viết, không phụ thuộc văn mẫu.

Bình Yên

Ấn phẩm Vì trẻ em số 16

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.