Cùng với người thân, trẻ cần được giúp đỡ bởi người có chuyên môn như: Chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội… Đặc biệt, các gia đình cần tố cáo kẻ phạm tội để pháp luật xử lý nghiêm minh.
Gia đình đồng hành cùng con
Hôn nhân tan vỡ, chị M. dẫn cô con gái 10 tuổi từ miền Tây lên TPHCM sống. Sau đó, chị quen biết, sống với người đàn ông làm nghề tự do. Chị không ngờ con gái lại bị người đàn ông mình yêu thương xâm hại. Đáng buồn hơn, khi con tâm sự việc bị xâm hại, chị M. không tin.
Sự việc khiến bé gái sợ hãi, không dám ở nhà một mình, thường xuyên trốn khỏi nhà trọ mỗi khi vắng chị. Cho rằng con không ngoan, chị M. la mắng, đánh bé. Sự việc kéo dài khiến bé trầm cảm, có ý định tự tử nhưng bất thành.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết, trường hợp trẻ không được bố mẹ tin tưởng khi chia sẻ thông tin mình bị xâm hại rất nguy hiểm. Lúc này, trẻ sẽ tổn thương sâu sắc.
Tâm lý trẻ xuất hiện nỗi sợ không được bố mẹ tin tưởng, bảo vệ dẫn đến tinh thần suy sụp. Do đó, việc bố mẹ, người thân trong gia đình phải chăm sóc, bảo vệ, cùng trẻ vượt qua nỗi đau bị xâm hại tình dục như thế nào là rất quan trọng.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, trẻ em là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục cần được chăm sóc thân thể, tâm lý và tinh thần.
Ngay khi phát hiện trẻ bị xâm hại, cha mẹ, người thân cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chăm sóc kịp thời. Các bậc phụ huynh nên tham khảo tài liệu “Hướng dẫn việc chăm sóc và hỗ trợ y tế cho người bị xâm hại tình dục” của Bộ Y tế.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, với trường hợp người xâm hại trẻ là thành viên trong gia đình, cha mẹ cần cách ly trẻ khỏi môi trường, đối tượng gây ra sự việc cho đến khi đối tượng bị pháp luật xử phạt.
Sau đó, trẻ cần có người đồng hành để được giúp đỡ đúng cách. Ngoài là người thân trong gia đình, trẻ cần được hỗ trợ bởi người có chuyên môn như: Chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội…
Người đồng hành không chỉ chia sẻ mà còn giúp trẻ tham gia những hoạt động có ích bên ngoài, đồng hành đủ lâu để trẻ vượt qua nỗi đau, tái hòa nhập cuộc sống. Điều đặc biệt quan trọng là giúp trẻ ý thức lại giá trị bản thân.
Bởi những đứa trẻ là nạn nhân của xâm hại thường không ý thức được giá trị bản thân nên không có phản ứng mạnh mẽ trước sự tấn công của kẻ xấu… Giúp trẻ ý thức lại giá trị bản thân khiến trẻ mạnh mẽ, tự tin hơn để vượt qua nỗi đau bị xâm hại và tránh rơi vào tình huống ấy thêm lần nữa.
Trường hợp trẻ bị đối tượng ngoài gia đình xâm hại cần được cha mẹ, người thân tin tưởng, chia sẻ, đồng hành. Tuy nhiên, cha mẹ phải tôn trọng không gian riêng của trẻ, cho con tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh để sớm quên đi tổn thương.
Khi gia đình nạn nhân im lặng
Theo số liệu đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM”, đến 39,2% gia đình nạn nhân bị xâm hại từ chối hỗ trợ, không hợp tác; 35,29% gia đình chấp nhận, thỏa hiệp với thủ phạm, chờ trẻ đủ tuổi sẽ cho tổ chức đám cưới.
Trường hợp của bé H. (15 tuổi), học sinh trung học tại TPHCM là ví dụ. Năm ngoái, gia đình phát hiện cô bé mang thai, “tác giả” bào thai là con trai người hàng xóm.
Ban đầu, gia đình định tố cáo đến cơ quan chức năng nhưng gia đình thủ phạm van xin được tha thứ, đồng ý bồi thường số tiền lớn và chịu trách nhiệm. Cộng với nỗi lo sự việc ồn ào và xấu hổ, gia đình bé H. quyết định im lặng, thỏa thuận, âm thầm cho bé sinh con và chờ con đủ tuổi để gả con cho thủ phạm.
Những câu chuyện tương tự không hiếm. Nhiều nạn nhân nhỏ tuổi của hành vi xâm hại đã không dám nói ra vì quá sợ hãi, thậm chí bị khống chế, trở thành công cụ cho kẻ gây tội. Nhiều gia đình vì định kiến và nguyên nhân khác mà chấp nhận im lặng, thỏa thuận với thủ phạm hoặc chuyển nhà đi, coi như chưa từng có chuyện xảy ra.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, sở dĩ gia đình nạn nhân hành động như vậy bởi nạn nhân chịu xâm hại tình dục phải đối diện vô số sức ép từ gia đình, cộng đồng nếu theo đuổi công lý.
Bên cạnh đó, nhiều quan niệm về tình dục, trinh tiết và phẩm giá trong xã hội Việt Nam đã vô hình khiến nạn nhân của quấy rối tình dục chịu mặc cảm bản thân là người có tội. Nhiều vấn đề liên quan đến danh dự gia đình, các tương tác trong xã hội khiến nạn nhân cuối cùng phải chấp nhận thương lượng dàn xếp thay vì đi đến cùng sự việc, tìm kiếm công lý.
Nạn nhân và gia đình cũng phải trải qua hành trình tố tụng rất gian nan, phải tự chứng minh là “người bị hại”. Đây cũng là rào cản để nạn nhân bị xâm hại và gia đình đến được với công lý, đòi được công bằng cho bản thân.
Thực tế, rất nhiều trường hợp ban đầu rất quyết liệt trên hành trình đến với công lý, tố cáo thủ phạm ra ánh sáng nhưng nửa chặng đường, do sức ép, nhiều luồng dư luận trái chiều và ác ý, sự tấn công từ mạng xã hội, thiếu sự cảm thông của nhiều phía, nạn nhân đã phải bỏ cuộc, chấp nhận thỏa hiệp.
Những vụ việc này càng khiến các nạn nhân khác “chùn chân” khi có ý định làm rõ trắng đen đối với hành vi xâm hại.
Phá bỏ định kiến, hoàn thiện các hành lang pháp lý, tăng cường truyền thông về ý thức bảo vệ bản thân, nâng cao hiệu quả các mô hình trợ giúp, bảo vệ phụ nữ và trẻ em… rất nhiều việc phải làm để giúp các nạn nhân trở nên dũng cảm, có thể lên tiếng trước hành vi xâm hại, từ đó tiến đến giúp hạn chế, giảm thiểu những con số bị xâm hại đau lòng trong xã hội.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 150