Đang thiếu các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi
Làm sân khấu cho thiếu nhi luôn là bài toán khó đối với các đơn vị nghệ thuật khi ngày càng nhiều sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình giải trí.
Nhiều năm qua, sân khấu thiếu nhi vẫn mang tính mùa vụ, chỉ tập trung phục vụ trẻ em vào dịp nghỉ hè, Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hay dịp Trung thu, rồi đóng cửa chờ “đến hẹn lại lên”. Chính vì vậy, trẻ em cũng ít có cơ hội được chủ động lựa chọn sân khấu.

Theo NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội: “Sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố để có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy nhiên, sân khấu hiện nay đang gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản dành cho đối tượng khán giả này.
Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi ít, chất lượng chưa đồng đều, còn chú trọng nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối với thiếu nhi hơn những yếu tố văn hóa, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép, chưa thiết thực, chưa phát huy được hết tác dụng, vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc”.
Mới đây, Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất, năm 2024 (Liên hoan) được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng.
Có thể nói, đây là kỳ liên hoan mang tính lịch sử vì là lần đầu tiên có một sân chơi bài bản dành riêng cho thiếu nhi. Liên hoan được tổ chức với mong muốn khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ trẻ em, lan tỏa nghệ thuật sân khấu đến với các em, đồng thời góp phần định hướng trẻ đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
17 vở diễn trong Liên hoan đã nhận được sự hưởng ứng và cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả nhỏ. Các vở diễn thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, như: chèo, ca kịch, múa rối, kịch nói,… với đề tài phong phú. Tất cả các vở diễn đều được đầu tư công phu, tạo nên sự mới mẻ và tương tác sôi nổi giữa nghệ sĩ và khán giả.
Ban tổ chức đã trao 4 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc. Trong đó, 4 Huy chương Vàng thuộc về “Chú mèo dạy hải âu bay” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Rồng thần trở lại” (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Dế mèn phiêu lưu ký” (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng) và vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” hay “Chuyện thằng Bờm” (Nhà hát Chèo Hà Nội).
NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của Liên hoan, đánh giá: “Các tác phẩm biểu diễn trong Liên hoan đều có thông điệp giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức, truyền tải những thông điệp tích cực một cách nhẹ nhàng, dí dỏm tới các em thiếu niên, nhi đồng”.
Bên cạnh đó, NSND Xuân Bắc cũng chỉ ra những bất cập từ Liên hoan lần này như một số thành phần sáng tạo, diễn viên vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm dự thi; cách diễn của một số nghệ sĩ khiến nhiều tác phẩm dự thi không có góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu.

Khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu
Hầu hết buổi diễn của 14 đơn vị nghệ thuật tại Liên hoan đều chật cứng người xem, đặc biệt là rất đông khán giả nhí. Một trong những yếu tố quan trọng thu hút khán giả nhỏ tuổi đến với các buổi diễn tại Liên hoan này chính là sự đa dạng, hấp dẫn của kịch bản.
Có những kịch bản lấy từ kho tàng văn hóa dân gian như: “Cây tre trăm đốt”, “Tiếng đàn Thạch Sanh”, “Nắm xôi kỳ diệu - chuyện thằng Bờm”, “Tấm Cám - Bống bống bang bang”, “Lời bà kể”. Đạo diễn sân khấu đã lồng ghép những điệu hò, vè, đồng dao, các làn điệu dân ca vùng miền một cách hài hòa, hợp lý, tạo sự gần gũi, mới mẻ trong góc nhìn của trẻ thơ.
Cũng có những vở diễn tái hiện lịch sử, các nhân vật anh hùng ở tuổi thiếu niên như: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Mặt trời quê hương”... Đây là hướng tiếp cận hiệu quả tới thiếu nhi nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tôn vinh những tấm gương thiếu niên anh hùng thông qua tác phẩm sân khấu.
Bên cạnh đó, các câu chuyện cổ tích trên thế giới, các nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử được các em nhỏ yêu thích cũng được đưa lên sân khấu qua các vở diễn: “Bầy chim thiên nga”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Rồng thần trở lại”, “Giải cứu mặt trăng”, “Bộ quần áo mới của hoàng đế”...
Nhiều tác phẩm nhẹ nhàng lồng ghép thông điệp, các vấn đề xã hội, mối quan hệ gia đình - nhà trường, như “Màu của ước mơ”, “Tiếng chuông cảnh tỉnh”, “Nước mắt tuổi thơ”... Việc ứng dụng công nghệ - kỹ thuật mới, sử dụng nhiều từ ngữ “bắt trend” đã tạo nên hiệu ứng tương tác sôi nổi giữa diễn viên và khán giả nhỏ tuổi trong mỗi buổi diễn.

Khi xem các vở diễn, nhiều khán giả nhí đã rất hào hứng khi gặp lại những nhân vật thân quen trong truyện dân gian, cổ tích... với hình hài và màu sắc mới mẻ.
Mặc dù ngày nay, các phương tiện giải trí rất đa dạng và hiện đại nhưng khán giả nhí chưa bao giờ quay lưng với sân khấu. Điều quan trọng là đội ngũ sáng tạo đủ hiểu trẻ em muốn gì, đủ tài năng để tạo nên vở diễn hấp dẫn trẻ em hay không.
Em Nguyễn Như Khôi (học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hà Nội, Đại sứ trẻ em Việt Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, từng tham gia các vở diễn sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng của Nhà hát Tuổi trẻ, Sân khấu Lệ Ngọc.
Theo Như Khôi, các bạn lứa tuổi thiếu niên thích xem những hình thức nghệ thuật mới, nên sân khấu muốn thu hút thì cần phải đẹp, hiện đại; nội dung tác phẩm dễ hiểu, mang lại tiếng cười. Đặc biệt, khi dàn dựng và biểu diễn, cần phân hóa nội dung theo lứa tuổi.
Ngày nay, những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi dễ dãi, gây cười nhảm nhí hay quá nặng nề về tuyên truyền… sẽ không còn thích hợp nữa. Công dân của kỷ nguyên 4.0 cập nhật công nghệ rất nhanh nên họ cũng hứng thú với những vở diễn đưa các hiệu ứng công nghệ vào sân khấu, thể hiện rõ xu hướng của thời đại, đồng thời tăng hiệu ứng thị giác, thính giác.
Việt Cường
Ấn phẩm Vì trẻ em số 12