Việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả xã hội và mỗi gia đình, bố mẹ, người chăm sóc trẻ có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), mỗi năm, cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị TNTT, trong đó có 6.600 trường hợp tử vong.
Chỉ tính riêng tại TPHCM, năm 2023, hơn 19.000 trường hợp TNTT xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Mỗi ngày, Việt Nam có hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị TNTT.

Mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp nghỉ hè, TNTT ở trẻ em lại gia tăng, để lại hậu quả nặng nề đối với thể chất và tâm lý của trẻ. Điều đáng nói là phần lớn tai nạn này hoàn toàn có thể phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả nếu người lớn quan tâm, chú ý hơn.
Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương trong ngày hè có số lượng bệnh nhân nhi nhập viện tăng gấp đôi so với dịp khác; các bệnh nhân vào viện với tình trạng đa chấn thương ở các mức độ khác nhau.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị TNTT ngay trong nhà như gãy tay, bỏng… thậm chí có trẻ mới mười mấy tháng tuổi nghịch dao và bị đứt gân phải phẫu thuật nối.
Mới đây, Bệnh biện Nhi tiếp nhận một cháu bé bị bỏng nước sôi do bất cẩn của người lớn. Mẹ cháu đun nước sôi và để trên nóc tủ lạnh vì cho rằng trên cao sẽ an toàn cho các con. Đến khi trẻ mở tủ lạnh, không may bị cả nồi nước sôi dội vào người. Vết thương bỏng của bé nặng và diện tích rộng nên việc điều trị, chăm sóc khá phức tạp.
Chỉ một phút lơ là của người lớn, rất nhiều trẻ nhỏ gặp TNTT không đáng có. Vì thế, các bậc phụ huynh nên quan tâm, chú ý giám sát và hướng dẫn trẻ phòng tránh các TNTT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngay từ khi con còn nhỏ, gia đình chị Hoàng Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đặc biệt chú ý trang bị kiến thức cần thiết và đề ra những quy tắc an toàn trong gia đình. Chị đã dạy trẻ tuyệt đối không được lại gần ổ điện, ngay cả khi trẻ đã nhận thức được thì người lớn vẫn phải quan sát, dặn dò khi trẻ đến gần ổ điện.
Khu vực nấu cơm có nhiều vật dụng nguy hiểm, dễ gây ra bỏng, như nồi cơm, nồi hầm, ấm điện nên trẻ tuyệt đối không được sử dụng khi chưa được sự cho phép của bố mẹ. Các ổ điện được thiết kế cao để tránh xa tầm tay trẻ. Các vật dụng trong nhà, nhất là vật dụng nhà bếp phải có nơi cất giữ và bảo quản cẩn thận sau khi sử dụng.
Đặc biệt, cầu thang phải có dây chắn bảo vệ để trẻ không thể chui qua. Chị Trang hiểu rất rõ, việc giáo dục kỹ năng phòng tránh TNTT tại nhà cho con không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là cả quá trình liên tục, thường xuyên.
Còn với gia đình chị Hoài Thu (Long Biên, Hà Nội), vì con còn quá nhỏ, chị luôn cẩn thận trang bị những biện pháp đảm bảo an toàn trong nhà. Nguy hiểm không chỉ tiềm ẩn ở những vật dụng sắc nhọn mà còn ở chính những món đồ chơi của trẻ, vì vậy việc lựa chọn đồ chơi phù hợp lứa tuổi cũng là yếu tố mà bố mẹ cần đặc biệt chú ý.
Trang bị những kiến thức và biện pháp để bảo vệ con tránh khỏi TNTT là vô cùng cần thiết nhưng hơn cả, sự giám sát của cha mẹ vẫn là quan trọng nhất để đảm bảo sự an toàn của con trẻ.
Vân Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 100