Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, TPHCM có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương với số trung bình của 5 năm 2018 - 2022. Trong đó, số ca bệnh nặng là 40 ca.

Đặc biệt 2 tuần qua, số ca bệnh hằng tuần có dấu hiệu tăng nhanh hơn những tuần trước đó, tuy nhiên không ghi nhận ca bệnh nặng. Riêng tháng 4, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp nhận hơn 900 lượt khám bệnh tay chân miệng, trong đó khoảng 10% trẻ phải nhập viện. Con số này tăng cao so với tháng 3 và gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023.
Còn theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong 19 tuần đầu năm, tại 20 tỉnh phía nam có 13.495 ca mắc tay chân miệng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 55% so với trung bình cùng kỳ 5 năm trước. Số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng đang gia tăng so với những tuần trước đó và đã có 1 ca tử vong.
Đến nay, hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chưa phát hiện vi rút EV71 - tác nhân thường gây ra những vụ dịch lớn với nhiều ca bệnh nặng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong quý I, cả nước có khoảng 6.700 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Một số tỉnh, thành phía Bắc cũng có xu hướng gia tăng số ca mắc.
TS, BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, 2 nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì người nhiễm EV71 sẽ bị nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.
"Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc vì có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm", TS, BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, các dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng như bóng nước lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng kèm sốt cao thường phải nhập viện. Bệnh nhi thường được gia đình cho nhập viện vào ngày thứ 2 hoặc 3 của bệnh. Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến kéo dài khoảng 7 - 10 ngày.
Đặc biệt, những bệnh nhi có bệnh lý nền đi kèm đều có diễn biến phức tạp hơn so với những bệnh nhi đơn thuần mắc bệnh tay chân miệng. Ví dụ, trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhưng có bệnh nền hen suyễn, viêm phổi hoặc tim bẩm sinh thì diễn tiến phức tạp hơn, bệnh có xu hướng trở nặng nhanh.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng nên chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.
Đối với người dân, ngành y tế khuyến cáo nên chủ động các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là trẻ em; thực hiện tiêm chủng theo lịch đối với những bệnh đã có vaccine như: Sởi, quai bị, rubela… Người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch khi chăm sóc trẻ: Ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay và chơi đồ chơi sạch.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Duy Anh
Báo Lao động Xã hội số 64