Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Giúp con hình thành nhân cách tốt đẹp

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Nhân cách của mỗi người được hình thành dưới sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên để hình thành nhân cách của mỗi con người. Để giúp trẻ hình thành một nhân cách tốt đẹp ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy người đồng hành với con.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, một số ý kiến tại nghị trường cho rằng, để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp cần bắt đầu từ giáo dục, tập trung vào trẻ em để hình thành nhân cách tốt ngay từ nhỏ.

Điều này cho thấy, việc hình thành nhân cách tốt đẹp của trẻ em có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xã hội. Thiếu giáo dục nhân cách, trẻ em dễ rơi vào các tình trạng tiêu cực như lạm dụng ma túy, bạo lực và vi phạm pháp luật…

6-cach-giup-con-su-dung-internet-lanh-manh-banner.jpg
Cha mẹ dạy trẻ sử dụng lời nói một cách tự chủ thay vì hung hăng thể xác trong những tình huống khó khăn.

Thực tế cho thấy, ngoài nhiệm vụ và giải pháp liên quan đến các thiết chế, cải cách trong các hệ thống giáo dục, trường lớp, việc giáo dục nhân cách cho trẻ em có thể được thực hiện ngay tại gia đình. Cha mẹ giúp con hình thành nhân cách tốt đẹp thông qua việc truyền dạy các đức tính dưới đây: 

Trung thực

Một đứa trẻ trung thực sẽ không có các hành vi lợi dụng, lừa dối người khác để mang lợi về cho mình. Sự trung thực sẽ giúp trẻ nhìn nhận và đánh giá khách quan năng lực của chính mình để đưa ra những quyết định, lựa chọn phù hợp nhất. Cha mẹ cũng có thể dạy con về tiền bạc khi trẻ còn nhỏ như đưa ra những khoản trợ cấp và giúp chúng phát triển sự liêm chính về tài chính. Một điều cũng khá quan trọng để dạy trẻ về tính trung thực chính là cha mẹ khuyến khích trẻ luôn nói sự thật.

Tự chủ trong cảm xúc

Dạy một đứa trẻ kiểm soát cảm xúc là một trong những công việc khó khăn. Sự tức giận được xoa dịu bằng sự chấp nhận và tình yêu thương có thể giúp trẻ giải quyết những thất vọng một cách lành mạnh. Cha mẹ dạy trẻ sử dụng lời nói một cách tự chủ thay vì hung hăng thể xác trong những tình huống khó khăn sẽ là cách làm hiệu quả. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần đặt ra các giới hạn và giúp trẻ nhận biết các giới hạn đó một cách thông minh, linh hoạt.

cho-con-nghe-som-la.jpg
Khen ngợi khi thích hợp và thể hiện sự đánh giá cao khi con làm tốt chính là phần thưởng lớn nhất trẻ muốn nhận từ cha mẹ.

Tự lực trong suy nghĩ và hành động

Nếu trẻ được giao những công việc phù hợp với lứa tuổi mà mình mong muốn làm hằng ngày, trẻ sẽ chuẩn bị tốt hơn mọi việc để đối mặt với tương lai. Một số công việc đơn giản như dạy trẻ sắp xếp, nấu nướng, chăm sóc đồ đạc và những trách nhiệm khác sẽ giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm cũng như hình thành khả năng tự lực trong giải quyết các vấn đề liên quan.

Cơ hội và học hỏi

Cha mẹ nào cho con nhiều cơ hội học hỏi những điều mới, trẻ sẽ khát khao tìm kiếm kiến thức. Việc này có thể bao gồm các chuyến thăm viện bảo tàng, thư viện; tham dự các buổi hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động khác. Qua đó, cung cấp, khơi gợi, giúp trẻ yêu thích văn hóa, tích luỹ thông tin, kiến thức, trí tuệ hữu ích cho bản thân.

Xây dựng lòng tin

Những đứa trẻ có mối quan hệ tin cậy với cha mẹ sẽ chia sẻ những ước mơ, mong muốn của mình. Lắng nghe những điều này, cha mẹ có thể giúp trẻ khám phá những khả năng nổi trội và hỗ trợ trẻ đúng thời điểm. Trẻ em cũng cần được khuyến khích tham gia các công việc, sự kiện của cộng đồng một cách phù hợp để nuôi dưỡng lòng tin và mong muốn đạt được thành tích.

Sự đồng cảm

Đức tính này trẻ sẽ học tốt nhất khi quan sát cha mẹ và những người lớn xung quanh. Sự quan tâm của cha mẹ tới người yếu thế, người cần giúp đỡ sẽ là tấm gương tốt nhất về sự đồng cảm. Có cơ hội tìm hiểu và tham gia các tổ chức từ thiện địa phương, trẻ sẽ dần hình thành lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và không có tâm lý phán xét hay trịch thượng. Ngoài ra, các trải nghiệm về những nền văn hóa, chủng tộc khác nhau cũng là cách để trẻ có thể học được sự đồng cảm.

Sống hòa hợp

Những đứa trẻ học cách hòa hợp với anh chị em của mình sẽ ít có khả năng ngược đãi người khác, kể cả với vợ/chồng trong tương lai. Để có được điều này, cha mẹ cần dạy con sự khiêm tốn, biết chia sẻ, lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp. Mối quan hệ, cách ứng xử của cha mẹ với con trong gia đình cũng sẽ là nền tảng cho mối quan hệ của trẻ với những người khác bên ngoài xã hội.

Vui vẻ và tích cực

Ngôi nhà tích cực nuôi dưỡng những con người vui vẻ. Các con được nuôi dưỡng với cha mẹ hạnh phúc sẽ học được lòng biết ơn và tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn là cảm thấy buồn bã và tuyệt vọng. Chia sẻ thành công có thể nâng cao tinh thần và truyền cảm hứng. 

Hợp tác và kỷ luật

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần trao đổi và thảo luận với trẻ để xây dựng một bộ quy tắc cho ngôi nhà của mình, bao gồm cả khen thưởng và kỷ luật. Ví dụ, trẻ em cần có trách nhiệm thông báo với cha mẹ biết mình đang ở đâu, ở với ai và sẽ làm gì mỗi ngày… Bằng cách cùng thực hiện các quy tắc đề ra, trẻ sẽ cảm thấy mình được tin tưởng và tôn trọng. 

Cổ vũ

Cha mẹ hãy là người luôn luôn cổ vũ trẻ. Khen ngợi khi thích hợp và thể hiện sự đánh giá cao khi con làm tốt chính là phần thưởng lớn nhất trẻ muốn nhận từ cha mẹ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách xử lý những nỗi thất vọng và cách tự đứng dậy sau thất bại. 

Nuôi dạy con cái là một nhiệm vụ khó khăn và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, lòng dũng cảm và khả năng học hỏi. Mặc dù những gợi ý ở trên không phải là một danh sách đầy đủ để giúp trẻ thành công, nhưng bằng cách thấm nhuần các đức tính này hằng ngày, trẻ em sẽ hình thành nhân cách tốt đẹp và có khả năng ứng phó tốt hơn với những biến cố trong cuộc sống.

Minh Châu

Ấn phẩm Vì trẻ em số 13

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.