Những người bạn tốt giúp học hỏi điều hay, trong khi bạn xấu có thể gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hành vi, tính cách của trẻ. Cha mẹ cần biết, giúp trẻ nhận biết và tránh xa những người bạn xấu.
Trong thực tế, hầu hết các mối quan hệ bạn bè của trẻ đều tốt đẹp, tuy nhiên một số tình bạn có thể gây hại cho trẻ. Mối quan hệ với bạn xấu đôi khi còn nghiêm trọng hơn việc không có bạn.
Câu chuyện của Hải (ở Hà Nội), là một ví dụ về việc “gần mực thì đen”. Tuy sức học tốt, nhưng do chủ quan khi làm bài nên Hải không đỗ vào trường chuyên.
Chán nản vì không đạt nguyện vọng, Hải kết thân với nhóm bạn có lối sống không lành mạnh, thường trốn học, chơi game, thậm chí đua xe và đánh nhau. Từ một cậu bé hiền lành, Hải trở nên lười biếng và nóng nảy.
Trường hợp của Long (ở Thái Nguyên) lại khác. Em không bị lôi kéo vào các thói xấu, nhưng lại bị nhóm bạn thao túng và lợi dụng. Lo sợ bị tẩy chay nên dù không thích, Long vẫn cố gắng làm mọi thứ mà nhóm bạn yêu cầu. Điều này dần biến Long trở thành người tự ti và luôn cảm thấy mình yếu thế.
Nhận biết dấu hiệu của mối quan hệ không tốt
Luôn ghen tị: Một chút ghen tị là bình thường, nhưng nếu một người bạn luôn ghen ghét và làm trẻ cảm thấy tồi tệ, đó là dấu hiệu của mối quan hệ không lành mạnh.
Chỉ trích liên tục: Người bạn xấu thường xuyên chỉ trích, làm trẻ giảm lòng tự trọng.
Tính cách thất thường: Nếu bạn bè thường dễ cáu giận và trút giận lên trẻ, đó là dấu hiệu tiêu cực.
Sống lợi dụng: Người luôn mượn đồ, tiền bạc của bạn bè mà không trả, hoặc nhờ vả nhưng không giúp đỡ lại là người bạn "độc hại" cần tránh xa.
Thích ra lệnh và điều khiển: Người bạn độc hại là luôn yêu cầu trẻ làm theo ý mình, từ cách ăn mặc đến việc giao du với người khác.
Thiếu tôn trọng: Những người không tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ không phải là bạn tốt.
Tự cho mình quyền ưu tiên: Bạn xấu luôn yêu cầu người khác đối xử đặc biệt với mình nhưng lại có thái độ khinh thường.
Nói xấu: Những người thích đàm tiếu sau lưng và lan truyền tin đồn là kiểu bạn trẻ cần tránh xa.
Thao túng: Những người lợi dụng nỗi sợ và lòng thương hại của trẻ để kiểm soát là bạn "độc hại".
Cô lập trẻ khỏi bạn bè: Người bạn "độc hại" cũng luôn cố gắng kiểm soát và phá hoại các mối quan hệ tích cực của trẻ.
Giúp trẻ tránh xa những người bạn "độc hại"
Trẻ nhỏ thường chưa đủ khả năng nhận diện được bạn xấu, vì vậy vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Khi nhận thấy con có dấu hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè, cha mẹ cần can thiệp và hướng dẫn.
Tâm sự và lắng nghe: Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện và khuyến khích trẻ chia sẻ về các mối quan hệ bạn bè. Giải thích cho trẻ rằng việc kết thúc mối quan hệ với bạn xấu có thể khó, nhưng cần thiết.
Dạy trẻ thiết lập ranh giới: Cha mẹ giúp trẻ hiểu rằng giữ vững ranh giới cá nhân là quan trọng. Trẻ cần học cách nói "không" với những yêu cầu vô lý và biết bảo vệ quyền lợi của mình.
Hỗ trợ con xây dựng tình bạn tích cực: Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chọn những người bạn tốt, biết tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Mặc dù có thể khó khăn để rời bỏ một mối quan hệ không lành mạnh, nhưng điều quan trọng là cha mẹ luôn đồng hành để giúp con vượt qua giai đoạn này.
Nam Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20