Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

“Gương phát hiện sớm sâu răng” giành Huy chương Vàng quốc tế

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tại cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 ở Seoul, Hàn Quốc, Đặng Minh Thư và Nguyễn Diệu Linh (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã giành Huy chương Vàng.

Hành trình đến với Huy chương Vàng

Chia sẻ về hành trình đến với tấm huy chương vàng, Minh Thư và Diệu Linh cho biết, tháng 3 vừa qua, tìm hiểu trên mạng xã hội, Minh Thư và Diệu Linh biết cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 tại Hàn Quốc. Hai em rất háo hức muốn thử sức nên xin phép bố mẹ tham gia.

3.jpg
Đặng Minh Thư và Nguyễn Diệu Linh tại lễ nhận Huy chương Vàng.

Được sự đồng ý của bố mẹ, Minh Thư và Diệu Linh nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ gửi sang Hàn Quốc và được duyệt. Cả hai bắt tay ngay vào nghiên cứu đề tài với sự hướng dẫn của thầy giáo Lê Quang Thảo, giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

“Xuất phát từ thực tế em và các bạn từng rất đau nhức khi bị sâu răng, mất nhiều thời gian và tiền bạc để chữa trị, đồng thời ước mơ bấy lâu của chúng em trở thành bác sĩ răng, hàm mặt nên đề tài “Gương thông minh áp dụng học máy sâu để phát hiện sớm sâu răng” đã ra đời. Chúng em đã chọn hình thức thi đồng đội (một nhóm hai người) và thi tại Hàn Quốc”, Diệu Linh chia sẻ.

Minh Thư cho biết, theo truyền thống, răng sâu sẽ được thay thế bằng răng sứ, vàng hoặc thép inox. Những cách này cũng mang đến nhiều vấn đề cho người dùng, như: Dễ bị phân hủy, bào mòn bởi thực phẩm chứa nhiều acid, nhạy cảm với nhiệt, gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân.

Hiện nay, AI (trí tuệ nhân tạo) là công cụ toàn năng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm khoa học sức khỏe. AI được sử dụng rộng rãi trong việc phân tích hình ảnh y khoa và đưa chẩn đoán, hỗ trợ phát hiện các bệnh như ung thư và tiểu đường. Trong nha khoa, AI có thể phân tích hình ảnh miệng để phát hiện sớm dấu hiệu của sâu răng, cải thiện chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, các ứng dụng trên điện thoại thông minh phục vụ mục đích này thường không tiện lợi và dễ bị bỏ sót những mặt tối phía bên trong. 

Một số nghiên cứu cho thấy, mọi người thường nghĩ về sức khỏe răng miệng khi đánh răng hoặc đứng trước gương. “Dựa vào đây, chúng em đề xuất phát triển gương thông minh, được lắp đặt trong phòng tắm hoặc bàn trang điểm, bên trong lắp đặt một máy tính để phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng”, Minh Thư cho biết. 

Tìm xong đề tài, Minh Thư cùng Diệu Linh sưu tầm vật liệu phù hợp sao cho thuận tiện nhất với người dùng. Gương thông minh được tích hợp gương hai chiều với màn hình chạy phần mềm AI phát hiện sâu răng bằng cách sử dụng mô hình học sâu (học sâu - một nhánh con của trí tuệ nhân tạo, đã và đang tạo nên những bước tiến đột phá trong nhiều lĩnh vực). Mô hình này được đào tạo để nhận diện và phân loại răng bình thường và răng bị sâu. Để có dữ liệu cho mô hình, nhóm đã tiến hành thu thập trên mạng xã hội khoảng 20.000 hình ảnh về những chiếc răng bình thường và bị sâu, sau đó các em sử dụng những phần mềm AI  nhận diện hình ảnh, phân loại thành hai mục răng bị sâu, răng không bị sâu. 

Theo chia sẻ của Minh Thư và Diệu Linh, ứng dụng này được mã hóa, có giao diện người dùng với một nút bấm để chụp hình miệng thủ công hoặc tự động, từ đó nhận diện để dự đoán sâu răng với độ chính xác lên đến 95%. Chương trình nhanh chóng đưa ra dự đoán, phân loại tình trạng răng miệng và cung cấp lời khuyên cho người dùng qua màn hình trên máy, như: “Bạn đang có 2 đến 3 chiếc răng sâu”, “Bạn hãy đến nha sĩ”...

Cơ hội theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học

4.jpg
Hình ảnh gương nhận diện răng sâu và đưa ra lời khuyên cho người dùng.

Minh Thư và Diệu Linh là đôi bạn thân có cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ước mơ trở thành bác sĩ. Song song với chặng đường nghiên cứu đề tài là việc học trên lớp nhưng Minh Thư và Diệu Linh luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để không bị ảnh hưởng tới việc học chính ở trường.

“Động lực giúp chúng em vượt qua sự vất vả chính là niềm đam mê nghiên cứu khoa học luôn “cháy” trong người nên chỉ mong nhanh đến ngày được “đọ sức” với đội thi khác tại Hàn Quốc”, Diệu Linh vui vẻ chia sẻ.

Chị Bùi Thị Thanh Dân, phụ huynh em Đặng Minh Thư chia sẻ: “Khi được thầy giáo hướng dẫn báo tin các con đã xuất sắc chinh phục ban giám khảo và giành được Huy chương Vàng, cả gia đình tôi vỡ òa cảm xúc xen lẫn niềm tự hào. Đó là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng và tự tin trong nghiên cứu, học tập của các con. Cuộc thi cũng là dịp để con được trải nghiệm, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm với các bạn trên thế giới; đồng thời, giúp các con có thêm động lực để thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ khi học phổ thông, đó là trở thành sinh viên của Trường Đại học Y”.

Được biết, Diệu Linh và Minh Thư đều        là học sinh giỏi các cấp học. Ngoài ra, các em tham gia một số cuộc thi học sinh giỏi Hóa,      Violympic cấp quận… Việc giành được Huy chương Vàng là kết quả hoàn toàn xứng đáng cho sự kiên trì, nỗ lực đáng khâm phục của các em khi đã vượt qua chính mình, mang lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình và nhà trường. 

“Huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế thế giới lần thứ 13 ở Seoul (Hàn Quốc) chính là điểm tựa để chúng em tự tin hơn trên hành trình thực hiện ước mơ khoa học trong tương lai", Minh Thư nói.

Nhận xét về hai học sinh Minh Thư và Diệu Linh, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Hóa 2 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, Minh Thư, Diệu Linh có học lực tốt, luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập và nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp. Riêng Minh Thư còn tham gia Câu lạc bộ Khoa học của trường. 

“Tham gia cuộc thi WICO cũng là dịp để hai em có cơ hội học hỏi, trau dồi thêm kiến thức cũng như sự hứng thú với hoạt động nghiên cứu khoa học. Chúng tôi luôn ủng hộ các em về mặt tinh thần và rất vui với thành tích của các em”, cô Hồng chia sẻ.

Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) là cuộc thi thường niên được Hiệp hội Phát minh và Sáng tạo các trường đại học Hàn Quốc thành lập và tổ chức, được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ. Đây là sân chơi dành cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học với những dự án khoa học có tính sáng tạo và ứng dụng cao. 

 

Cù Hòa

Báo Lao động và Xã hội số 95