Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hàng triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi phải nghỉ học do khủng hoảng, xung đột

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Đông và Nam Phi vừa kêu gọi đầu tư tăng cường và công bằng vào giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng trên toàn khu vực.

Khủng hoảng, xung đột làm giảm nhận thức học tập ở trẻ em 

Giáo dục trong trường hợp khẩn cấp là quyền con người và mọi trẻ em đều có quyền cơ bản được hưởng nền giáo dục toàn diện, có chất lượng.

Tuy nhiên, hiện có gần 46 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học trên khắp Đông và Nam Phi không được tiếp cận việc học tập, đến trường do bị ảnh hưởng bởi xung đột và các tình huống khẩn cấp về khí hậu.

Vấn đề này cũng “nóng” ở châu Phi cận Sahara khi khu vực này có tỷ lệ nghèo học tập cao nhất thế giới với 9/10 trẻ em không thể đọc và hiểu một câu chuyện đơn giản trước 10 tuổi.

Hàng triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi phải nghỉ học do khủng hoảng, xung đột - 1
Một lớp học ở châu Phi.

Báo cáo của UNICEF nêu rõ, “Trẻ em trong những tình huống này lẽ ra phải nhận được sự hỗ trợ ở mức cao nhất để giúp chúng học tập và phục hồi, nhưng thay vào đó, nhiều trẻ lại không nhận được sự hỗ trợ nào”. Điều này cho thấy những bất cập trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ giáo dục tại đây.

Dữ liệu mới nhất cho thấy trẻ em ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng có thể tiếp thu các kỹ năng cơ bản chậm hơn 6 lần so với trẻ em ở các quốc gia không có tình trạng khẩn cấp.

Ở Madagascar, một quốc gia thường xuyên hứng chịu lốc xoáy và sóng nhiệt gây thiệt hại mỗi năm, chỉ có 4% trẻ em đạt được trình độ tối thiểu về đọc chữ và làm toán. Ở Ethiopia, nơi trẻ em phải trải qua những cuộc khủng hoảng kéo dài do xung đột, hạn hán và lũ lụt, con số này là 10%. 

Tăng cường hỗ trợ cho giáo dục

Bất chấp nhu cầu cần hỗ trợ ở mức cao nhất nhằm ứng phó với tác động của các cuộc khủng hoảng gia tăng đối với giáo dục trẻ em, việc phân bổ kinh phí toàn cầu cho giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp vẫn thấp ở mức kỷ lục.

Ông Wongani Grace Taulo, Cố vấn Giáo dục Khu vực của UNICEF ở Đông và Nam Phi cảnh báo: “Giáo dục là cứu cánh và không nên được coi là giai đoạn thứ hai của phản ứng nhân đạo. Trẻ em trong các tình huống khẩn cấp có quyền được hưởng nền giáo dục có chất lượng như mọi đứa trẻ khác. Tuy nhiên, giáo dục trong các tình huống khẩn cấp vẫn tiếp tục bị thiếu hụt và thiếu nguồn lực trầm trọng”.

Bên cạnh đó, các trường hợp khẩn cấp do khí hậu gây ra cũng đã làm trầm trọng cuộc khủng hoảng học tập trong khu vực, khiến hàng triệu trẻ em phải di dời và đẩy chúng ra khỏi trường học.

Hàng triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi phải nghỉ học do khủng hoảng, xung đột - 2
Ở châu Phi và cận Sahara, chỉ 4/10 thanh niên sẽ hoàn thành bậc THCS. (Ảnh minh họa) 

Vào đỉnh điểm của đợt hạn hán lịch sử ở vùng Sừng châu Phi năm 2023, tổng cộng đã có 2,7 triệu trẻ em ở Kenya, Ethiopia và Somalia bỏ học hoặc có nguy cơ phải nghỉ học vĩnh viễn và không còn thời gian để phục hồi. 

Thực tế cũng ghi nhận, trẻ em ngoài nhà trường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và phải đối mặt với nguy cơ cao bị ép tảo hôn, lao động trẻ em cưỡng bức, bị tuyển vào các nhóm vũ trang. Những đứa trẻ này không chỉ bị từ chối quyền được giáo dục mà còn cả quyền được an toàn, sức khỏe, vui chơi và các cơ hội trong tương lai. 

Đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp, trường học không chỉ là nơi học tập mà còn là không gian an toàn, nơi các em có thể tương tác với các bạn cùng lứa, tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng, sức khỏe cũng như nhận được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội để đối phó với nhiều thách thức.

Hơn nữa, giáo dục trong các trường hợp khẩn cấp nhằm mục đích đảm bảo rằng trẻ em tiếp tục được học hỏi và phát triển các chiến lược đối phó hiệu quả hơn để sống sót qua cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai.  

Theo ông Wongani Grace Taulo, đầu tư vào giáo dục cho mọi trẻ em không chỉ quan trọng đối với phúc lợi tổng thể và khả năng học tập sau này của trẻ mà còn cần thiết cho sự phát triển của khu vực. Ưu tiên đầu tư vào giáo dục cơ bản chính là đảm bảo trẻ em được hỗ trợ giáo dục trong trường hợp khẩn cấp với nền giáo dục có chất lượng và hỗ trợ chúng bù đắp tình trạng mất học tập.

“Mọi trẻ em nên có cơ hội học hỏi và có được những kỹ năng nền tảng cần thiết để phát triển và tham gia đầy đủ vào xã hội của mình. Hơn nữa, giáo dục là quyền cơ bản của con người và nghĩa vụ của chúng ta là đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, ông Wongani nhấn mạnh.

Với trách nhiệm của mình, UNICEF cam kết bảo vệ quyền được giáo dục của trẻ em trên toàn cầu và ở những nơi khó tiếp cận nhất để đảm bảo trẻ em có thể tiếp tục học tập trong trường hợp khẩn cấp. Điều này bao gồm: 

- Đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục và kết quả học tập công bằng, toàn diện và bảo vệ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. 

- Cung cấp tài liệu giảng dạy, học tập và giải trí trong môi trường học tập an toàn, với giáo viên được đào tạo quan trọng để đảm bảo tính liên tục của giáo dục. 

- Thiết lập các không gian giáo dục có thể cung cấp nền tảng tích hợp cho các can thiệp đa ngành, bao gồm các dịch vụ thực phẩm, dinh dưỡng, y tế, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý xã hội cũng như các biện pháp ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống giáo dục để có thể phòng ngừa, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn.

Số liệu của UNICEF cho thấy, số trẻ em không được đến trường trên toàn cầu lần đầu tiên tăng lên 250 triệu sau nhiều thập kỷ. 

Nếu các quốc gia không có hành động ngay lập tức thì con số này sẽ tiếp tục tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng tước đi các quyền cơ bản của hàng triệu trẻ em ở mọi nơi trên thế giới.

 

Xuân Quang

Ấn phẩm Vì trẻ em số 9