Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tại TP Huế. Dự kiến, lễ phát động diễn ra đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

3 trụ cột để thực hiện quyền trẻ em

Trong những năm qua, công tác trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. 

tre2.jpg
Tặng học bổng cho trẻ em vượt khó vươn lên tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 tỉnh Tuyên Quang.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, để thực hiện tốt quyền trẻ em cũng như giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến trẻ em cần có 3 trụ cột gồm: Hoàn thiện thể chế, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.

Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành chủ động tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em và đến nay khá đầy đủ và toàn diện. “Thời gian qua, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đã ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án về quyền trẻ em.

Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ các chương trình, đề án đó rất cần tăng cường các nguồn kinh phí, kể cả ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, nhân lực làm công tác trẻ em cũng rất quan trọng”, bà Nga nhấn mạnh.

Căn cứ theo Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Bộ LĐ-TB&XH đã cụ thể hóa các chỉ đạo để đưa vào chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đó là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực dành cho trẻ em”.

Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi các bộ, ngành cũng như chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố triển khai Tháng hành động.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay có 3 nhóm hoạt động: Thứ nhất, vận động thực hiện đầy đủ, thực hiện tốt hơn phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thứ hai là mục tiêu mỗi xã có một công trình mới hoặc nâng cấp công trình dành cho trẻ em; thứ ba là vận động từng đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội để có những hành động thiết thực dành cho trẻ em.

“Trong Tháng hành động vì trẻ em 2024, Bộ LĐ-TB&XH tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tại Thừa Thiên - Huế; tổ chức chiến dịch truyền thông về thực hiện quyền trẻ em và chủ trì, phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em”, bà Nga thông tin.

Gia đình đóng vai trò quan trọng thực hiện quyền trẻ em

Bà Nga cho rằng, công tác trẻ em phải làm thường xuyên, liên tục và bền bỉ, Tháng hành động vì trẻ em là chiến dịch cao điểm để đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua phổ biến giáo dục pháp luật, những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em…

Những nội dung này rất cần được các em cũng như thành viên trong gia đình hiểu biết. “Gia đình đóng vai trò quan trọng trong thực hiện quyền trẻ em. Cục Trẻ em đã xây dựng rất nhiều tài liệu liên quan đến các chương trình giáo dục làm cha mẹ.

Đó là những bộ tài liệu phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em…”, bà Nga nhấn mạnh.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất lấy ngày 11/6 hằng năm làm Ngày Quốc tế Vui chơi.

Được biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tham mưu và trình Chính phủ để trong tháng 6, Việt Nam sẽ có một số hoạt động hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. 2024 là năm đầu tiên Việt Nam triển khai Ngày Quốc tế Vui chơi cho trẻ em. 

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 65