Thế nào là trường học hạnh phúc?
Năm 2014, UNESCO khởi động dự án “Happy School” - Trường học hạnh phúc” nhằm thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng, nuôi dưỡng tài năng, phát triển thế mạnh và đa dạng kết quả học tập của mỗi học sinh.
Môi trường giáo dục hạnh phúc hướng đến mục tiêu tạo dựng môi trường lý tưởng cho giáo viên và người học cảm thấy hạnh phúc, có hành vi và tâm hồn đẹp. Thầy cô giáo và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, thúc đẩy trường học cấp tiến và thân thiện. Mọi cảm xúc riêng biệt, sự sáng tạo, cá tính của giáo viên và học sinh được tôn trọng, không bị ép buộc hay rập khuôn máy móc theo phương thức giáo dục cũ.
Lấy cảm hứng từ dự án “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019. Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.
Trường học hạnh phúc của UNESCO có 22 tiêu chí, chia làm 3 nhóm: Con người, Quá trình giảng dạy và học tập, Môi trường nhà trường. Còn theo mô hình “Trường học hạnh phúc” của ngành Giáo dục Việt Nam, tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau, nhưng tiêu chí chung, có tính cốt lõi là: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng.
GS. TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Trường học hạnh phúc là nơi sẽ tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân học sinh; là nơi ngập tràn yêu thương, chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng tính cá nhân, hòa nhập; nuôi dưỡng sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, phát huy trí tuệ của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi em học sinh. Vì vậy, với mỗi trường cũng sẽ có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những “mẫu số chung”. Theo đó, sự hiểu biết một cách có hệ thống, toàn diện các thành tố tạo ra một trường học hạnh phúc là vấn đề không chỉ các nhà giáo dục, các nhà quản lý, cha mẹ học sinh mà cả cộng đồng quan tâm”.
Theo GS. TS Lê Anh Vinh, xây dựng chương trình giáo dục hướng đến trường học hạnh phúc tại Việt Nam một cách khoa học, hiện đại, được chuẩn hóa phù hợp với xu thế các nước trên thế giới là vấn đề cần được ưu tiên.
Học sinh Việt Nam đã thực sự hạnh phúc?
Ngày càng có nhiều trường học xây dựng và phát triển theo hướng “Trường học hạnh phúc” nhằm thiết lập môi trường an toàn, hạnh phúc để trẻ học tập, vui chơi, thư giãn và phát triển mỗi ngày; đảm bảo học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tuy nhiên, trên thực tế, số trường học hạnh phúc ở Việt Nam chưa có nhiều và số học sinh thực sự cảm thấy hạnh phúc còn rất ít.
Áp lực học hành, thi cử, bệnh thành tích, vấn nạn bạo lực học đường, việc sử dụng các chất gây nghiện… khiến cho nhiều học sinh sống trong phấp phỏng, lo âu. Thậm chí, ngay cả với những học sinh học rất giỏi, khi hỏi các em có cảm thấy hạnh phúc không, thì câu trả lời nhận được cũng rất đa dạng. Số ít học vì đam mê, vì cảm thấy điều này cần thiết cho cuộc sống sau này, còn lại đa số học vì cha mẹ, học cho bằng anh chị, ngoài học ra không biết phải làm gì.
Ở các quốc gia tiên tiến, điều quan trọng nhất trong giáo dục là khơi dậy đam mê, niềm hứng thú tự học. Từ đó, giúp các em học sinh cảm thấy hạnh phúc, có tâm hồn phong phú, tinh thần tự lập, năng lực tự học và sống có trách nhiệm.
Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều học sinh học thụ động, còn ỷ lại vào thầy cô giáo và cha mẹ. Khả năng tự học kém nên nhiều em chưa biết cách quản lý thời gian cũng như tự giác học tập, do đó luôn cảm thấy việc học hết sức căng thẳng và áp lực, không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc trong học tập. Mặt khác, môi trường giáo dục trọng thành tích, nhiều giáo viên và phụ huynh chưa thực sự thấu hiểu trẻ, khiến cho việc học càng trở nên khó khăn hơn đối với trẻ em.
Tuấn Anh - học sinh lớp 11 và là học sinh giỏi nhiều năm cho biết, em rất sợ các kỳ thi ở trường, chỉ cần điểm thi dưới 8 thì sẽ bị bố mẹ la mắng. “Giá như chỉ học mà không phải thi hoặc một năm chỉ thi hai lần cuối kỳ thì tốt biết mấy” - Tuấn Anh chia sẻ.
Phương Lan - một học sinh vừa trải qua kỳ thi vào 10 đầy căng thẳng cho biết: “Em ước gì Nhà nước mở thêm nhiều trường THPT công lập để chúng em ai cũng được học thay vì phải thi cử áp lực như hiện giờ”.
Còn Minh Thư - một học sinh lớp 5 cho biết: “Đi học có lúc vui, có lúc buồn. Em thích đi học, nhưng em không thích cô giáo chủ nhiệm năm lớp 3, vì cô hay đánh và mắng chúng em. Em đã ước mình có thể chuyển lớp, nhưng mẹ bảo, chuyển sang lớp khác chắc gì đã tốt hơn nên em phải cố chịu”.
Tựu trung, hầu hết các em học sinh đều muốn khi đến trường được thầy cô dạy bảo ân cần, được bạn bè yêu mến, được vui chơi đi đôi với học tập, không có tình trạng bạo lực học đường, không phải thi cử căng thẳng như hiện giờ...
Đó không chỉ là mong muốn của các em học sinh, mà ngày nay, nhiều phụ huynh cũng đã bắt đầu đi tìm “hạnh phúc” trong học tập cho con. Ai cũng mong con trẻ được học tập trong một môi trường an toàn và văn minh; được học đi đôi với hành; được trang bị các kỹ năng sống cần thiết; được thầy cô hết lòng yêu thương, chỉ bảo. Và trên hết, cha mẹ nào cũng mong con mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui.
Để xây dựng được trường học hạnh phúc thì học sinh phải là đối tượng cảm thấy hạnh phúc đầu tiên. |
Bình Yên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 15