Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Khi lời nói trở thành vũ khí tổn thương

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Body shaming (miệt thị ngoại hình) ngày càng phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh, đặc biệt với trẻ em ở tuổi dậy thì.

Những lời chê bai về cân nặng, chiều cao, hay làn da… có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, kết quả học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Body shaming ảnh hưởng ngày càng sâu rộng ở lứa tuổi học đường

Body shaming là hành động dùng lời nói để chê bai, chế giễu hoặc bình luận tiêu cực về ngoại hình, khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm và tổn thương tâm lý. Kiểu miệt thị thường gặp như chê thân hình, cân nặng, làn da hay khuôn mặt đều để lại hậu quả nghiêm trọng.

Khi lời nói trở thành vũ khí tổn thương - 1
Trẻ tự tin luôn dễ dàng thể hiện cảm xúc và bày tỏ quan điểm với mọi người. Ảnh: VFS

Những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt: “Sao béo thế, chẳng thấy eo đâu!” hay “Nhìn gầy như cây sậy”… lại là đòn đau gây tổn thương sâu sắc trong môi trường công sở, trường học và cả cuộc sống hằng ngày.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội trở thành nơi công kích người khác, khiến cho vấn nạn body shaming lan rộng và khó kiểm soát. 

Các em học sinh thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh hoàn hảo được chỉnh sửa, đánh bóng trên các nền tảng như Instagram, Facebook hay TikTok. Áp lực về ngoại hình ngày càng gia tăng, khiến các em cảm thấy mình không đủ đẹp, không đủ “chuẩn” so với những gì được kỳ vọng.

Bên cạnh đó, những kẻ bắt nạt cũng lợi dụng mạng xã hội để miệt thị, chế giễu những người khác. Điều này khiến học sinh không chỉ phải đối mặt với sự chê bai trong môi trường học đường mà còn phải chịu đựng sự công kích từ cả không gian trực tuyến. 

Trẻ em, đặc biệt ở tuổi dậy thì, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi nạn body shaming. Với tâm lý nhạy cảm và chưa đủ kỹ năng đối phó, các em thường bị ám ảnh bởi những lời chê bai ngoại hình, luôn nghĩ đến những khiếm khuyết trên cơ thể mình.

Điều này dẫn đến sự tự ti, mặc cảm, bị cô lập và lạc lõng, thậm chí rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu. Đáng buồn, đã có trường hợp trẻ tìm đến cái chết như một lối thoát. 

Mặt khác, sự tổn thương từ body shaming còn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội của học sinh. Các em có thể trở nên thiếu tự tin, ngại giao tiếp dẫn tới khó hình thành những mối quan hệ bạn bè lành mạnh.

Một số học sinh có thể rút lui khỏi các hoạt động cộng đồng, dẫn đến sự cô đơn và khó khăn trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp, ảnh hưởng đến sự trưởng thành và phát triển toàn diện của các em.

Body shaming không chỉ là bạo lực ngôn từ mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến tâm lý và sinh mạng của con người.

Giúp trẻ xây dựng sự tự tin và phát triển bản thân

Khi lời nói trở thành vũ khí tổn thương - 2
Bạn trẻ cần kết nối, giao lưu trong môi trường thân thiện, tôn trọng sự khác biệt. Ảnh: HP

Cách hiệu quả nhất để đối phó với nạn body shaming chính là dũng cảm lên tiếng. Học sinh cần bảo vệ bản thân bằng cách nói ra khi bị miệt thị ngoại hình và đứng lên bênh vực người khác khi chứng kiến những lời chế giễu. Sự im lặng chỉ vô tình tiếp tay cho những kẻ bắt nạt gây tổn thương sâu hơn.

Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường, đặc biệt là các giáo viên, cần chung tay nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của body shaming, mạnh mẽ lên án mọi hành vi xúc phạm. Đồng thời, sự quan tâm, lắng nghe và đồng hành từ người lớn sẽ giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của vấn nạn này.

Gần đây, vấn đề body shaming đã được chú ý nhiều hơn. Một số trường học đã chủ động mời chuyên gia tâm lý đến trao đổi với học sinh về hình thức bạo lực tinh thần này. 

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Mỗi người sinh ra đã khác biệt. Do vậy,  đừng tự ti nếu bản thân chúng ta có khác biệt với số đông. Điều quan trọng nhất để đối mặt với những điều không như ý, những nhận xét đôi khi cay nghiệt đó là hãy yêu thương bản thân mình, làm giàu vốn sống, tri thức mình nhiều hơn. Hãy luôn trân trọng chính mình. Không ai là xấu xí”.

Để giúp trẻ hình thành “kháng thể” trước nạn body shaming, cha mẹ cần nuôi dưỡng sự tự tin, khuyến khích con yêu thương và trân trọng bản thân. Cha mẹ nên định hình cho trẻ một gu thẩm mỹ lành mạnh, giúp con hiểu rằng giá trị của mỗi người không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở nội lực, tài năng và sức mạnh toàn diện. 

Cha mẹ nên thường xuyên khen ngợi và nhấn mạnh những khía cạnh tích cực trong hành vi, tài năng, lòng tốt và tính cách của trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được công nhận mà còn khuyến khích trẻ phát huy tối đa những phẩm chất tốt đẹp của mình.

Ngoài ra, việc nuôi dưỡng sở thích cá nhân cũng là một cách hiệu quả để trẻ khám phá lợi thế của mình. Khi tập trung vào những điều mình đam mê, trẻ sẽ dần quên đi những khiếm khuyết ngoại hình và cảm thấy tự tin hơn.  

Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội, võ thuật, đạp xe... Các hoạt động này không chỉ giúp trẻ rèn luyện thể chất mà còn tạo cơ hội để trẻ đối mặt với thử thách, nâng cao năng lực và xây dựng ý chí mạnh mẽ để chinh phục mục tiêu. Qua đó, trẻ có thể nhận ra điểm mạnh của mình, học cách chấp nhận và cải thiện những hạn chế một cách tích cực.  

Khi sự tự tin lớn dần, trẻ sẽ dám nghĩ, dám làm, và dám thể hiện bản thân. Đó chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, giúp trẻ tỏa sáng và thu hút sự yêu thương từ những người xung quanh.

Body shaming không chỉ là một vấn đề về ngoại hình mà còn là một vấn đề xã hội. Để ngừng vòng xoáy của sự miệt thị và tổn thương, cần chung tay tạo dựng một môi trường học tập lành mạnh, nơi mà sự tự tin và sự khác biệt được tôn trọng. Chỉ khi đó, học sinh mới có thể phát triển toàn diện, vươn tới thành công và hạnh phúc trong tương lai.

Thùy Dương

Ấn phẩm Vì trẻ em số 22