Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Nâng cao cảnh giác, phòng tránh tai nạn sinh hoạt cho trẻ em

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Thời gian qua, đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra khi cha mẹ sơ suất khiến con trẻ gặp tai nạn thương tích. Những nguy cơ tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, điện giật, đuối nước… có thể gây biến chứng trầm trọng cả về thể chất và tinh thần ở trẻ.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích (TNTT). Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ.  

Trong đó, nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 với 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Trung bình cứ 100.000 trẻ có 24 em tử vong do TNTT.

Untitled-1.jpg
Nhiều trẻ nhập viện do tai nạn thương tích vào dịp hè.

BSCK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Mùa hè là thời điểm gia tăng các tai nạn trẻ em như bỏng (nước sôi, cháy nổ do chập điện, xăng, hóa chất), nuốt phải dị vật, ong đốt, rắn cắn, hay các sự cố té ngã, đuối nước…

Nguyên nhân chủ yếu là trẻ nhỏ tò mò, thích khám phá, có thể vì bất cẩn hoặc trẻ ở xa tầm mắt của phụ huynh. Trong đó, tai nạn đuối nước có thể đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng não nặng nề; bỏng không chỉ làm tổn thương da, nhiễm trùng, thời gian điều trị kéo dài mà còn có thể gây tử vong.

Do đó, phụ huynh cần đặc biệt chú ý và nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ em trong dịp hè”.

Dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em. Do vậy, cha mẹ cần nhận biết một số nguy cơ TNTT thường gặp và tham khảo những biện pháp để chủ động phòng tránh TNTT cho trẻ.

Phòng chống điện giật và bỏng

Mỗi gia đình nên thiết kế các ổ điện và các dụng cụ điện, dây điện ngoài tầm với của trẻ; sử dụng nút bịt ổ điện hoặc bịt kín bằng băng dính với những ổ điện không dùng đến; Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc phải có vỏ bọc đảm bảo an toàn;

Dạy trẻ không được nghịch các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua; Rút dây cắm khi không sử dụng; Thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống điện; Khu bếp nên riêng biệt hoặc có cửa ngăn,  khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được bếp lửa, bình ga;

Đèn, diêm, bật lửa, đồ đựng thức ăn nóng, phích nước nóng cần sắp xếp để ở ngoài tầm với của trẻ. Đặc biệt, người lớn không để trẻ dưới 6 tuổi trong nhà tắm một mình và tắt bình nóng lạnh khi không sử dụng.

Phòng chống thương tích do vật sắc, nhọn

so cuu bang vet thuong.jpg
Sơ cứu vết thương khi trẻ gặp tai nạn. 

Các gia đình cần sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn (dao, kéo), các dụng cụ lao động (cày, bừa, liềm, hái...) trong giá treo, ngăn kéo ngoài tầm với của trẻ hoặc trong kho có khóa để không gây thương tích cho trẻ; bịt các góc nhọn ở cạnh bàn khi nhà có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Phòng chống ngộ độc

Gia đình chỉ sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, không để trẻ ăn thức ăn ôi thiu; Nên có tủ đựng thuốc để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Các chất như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt để trong kho có khóa để trẻ không tiếp cận được.

Phòng chống ngã 

Cha mẹ, người chăm sóc dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm: nhảy từ trên cao; chạy nhảy ở những chỗ nguy hiểm, trơn trượt; leo trèo ở những nơi không an toàn như cây cao, cột điện, mái nhà, nhà cao tầng. Đồ dùng, đồ chơi của trẻ không để ở nơi cao quá tầm với của các em.

Người lớn cần dạy trẻ cách đi cầu thang an toàn; Làm lan can cầu thang chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên; Lắp chấn song cửa sổ, nhất là ở những căn hộ cao tầng; Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… khô ráo, bằng phẳng, không trơn trượt.

Phòng chống hóc, sặc gây ngạt đường thở

Người lớn không để các đồ vật nhỏ như đồng xu, cúc áo, đồ chơi trong tầm với của trẻ; Cẩn trọng khi cho trẻ nhỏ ăn các đồ ăn dễ gây nghẹn, dính, thạch, hoa quả có hạt (vải, nhãn, hồng xiêm…).

Phòng chống bị động vật cắn, đốt

Các gia đình nên phát quang xung quanh nhà; vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và phải được tiêm phòng theo đúng quy định. Người lớn hãy dạy trẻ không nên trêu chọc khi vật nuôi đang ăn, đang ngủ hay cho bú, chăm sóc con.

tieu pham tinh huong phong chong tai nan thuong tich h Thanh Oai.jpg
Tiểu phẩm tình huống về phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Phòng chống đuối nước

Để phòng đuối nước, tuyệt đối không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong bồn tắm; Không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình. Trẻ em cần rèn luyện thể lực và học bơi cũng như kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cha mẹ hướng dẫn trẻ khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn.

Khi xảy ra lũ lụt, trẻ đi qua sông, suối phải có người lớn đưa và phải đảm bảo an toàn. Ao, hố chứa nước trong khu vực xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận. Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT ở trẻ em, bởi tai nạn có thể xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, chỉ một phút lơ là thiếu tập trung, có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, cách phòng ngừa TNTT trẻ em hiệu quả nhất chính là sự quan tâm, chú ý của người lớn. Các bậc cha mẹ cần luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt trong dịp hè.

Bác sĩ Đinh Văn Nghĩa (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) khuyến cáo, cha mẹ cần cảnh giác, không được lơ là, phải để mắt đến trẻ, tránh xa những mối nguy hiểm hoặc vật dụng có thể gây tai nạn.

Mặt khác, gia đình cần quan tâm và dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng tránh các mối nguy hiểm, rủi ro, có ý thức tự bảo vệ mình. Bên cạnh tạo môi trường an toàn cho trẻ, cha mẹ cũng cần nắm được một số cách sơ cứu cơ bản để áp dụng vào từng trường hợp, mức độ thương tích.

Khi trẻ không may bị tai nạn, cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 12

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...
Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

Hòa hợp với con tuổi vị thành niên

(VTE) - Tuổi vị thành niên là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu những thay đổi quan trọng trong tâm sinh lý, nhận thức và hành vi của trẻ.