Họ đưa ra những nguyên tắc giúp trẻ em hiểu về giá trị của đồng tiền và phương pháp quản lý tài chính một cách khôn ngoan.
Nhiều cha mẹ rất ngại khi đề cập đến vấn đề tiền bạc, thậm chí, một số gia đình cố gắng không để con tiếp xúc với tiền sớm vì sợ tiền có thể làm hư trẻ.
Lối suy nghĩ này của cha mẹ khiến nhiều trẻ khi trưởng thành rất lơ mơ về tài chính, không có động lực và khát khao làm giàu, đặc biệt không biết làm thế nào để xử lý khủng hoảng tài chính.
Doanh nhân người Mỹ gốc Nhật, Robert Kiyosaki, tác giả cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo” từng nói: “Nếu bạn không thể dạy con mình về tiền bạc, sau này sẽ có người khác thay thế bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cảnh sát và thậm chí là những kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sợ bạn và con cái của bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn”.
Cùng khám phá cách người Do Thái - dân tộc được coi là thông minh nhất thế giới với nhiều tỷ phú - dạy trẻ em về quản lý tài chính.
Dạy trẻ về ý nghĩa của đồng tiền
Người Do Thái dạy trẻ rằng, tiền không phải là mục đích cuối cùng mà là công cụ để đạt được những giá trị cao quý hơn như sự tự do, an toàn và cơ hội giúp đỡ người khác.
Họ khuyến khích con xem tiền bạc như một phần của cuộc sống, nhưng không nên coi đó là tất cả. Đồng thời, họ cũng giải thích cho trẻ hiểu, tiền được kiếm từ lao động, từ sự cống hiến và trí tuệ, không phải từ may mắn hay cơ hội ngắn hạn.
Tạo thói quen tiết kiệm từ sớm
Trẻ em Do Thái được dạy tiết kiệm từ nhỏ, thậm chí chỉ với một khoản tiền nhỏ mỗi tuần. Cha mẹ thường sử dụng hộp tiền tiết kiệm để giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc tích lũy tiền, từ đó biết cách trì hoãn sự thỏa mãn và hướng tới những mục tiêu lâu dài.
Chia tiền vào ba mục đích chính: Tiêu dùng, tiết kiệm và từ thiện
Người Do Thái thường phân chia tiền của trẻ em thành ba phần:
- Tiêu dùng: Phần tiền để trẻ có thể chi tiêu vào những thứ mình thích.
- Tiết kiệm: Phần tiền để đầu tư và tích lũy cho tương lai.
- Từ thiện: Phần tiền dành để giúp đỡ người khác, nuôi dưỡng lòng nhân ái và sự biết ơn.
Cách này không chỉ giúp trẻ học cách quản lý tiền mà còn khuyến khích chúng phát triển lòng nhân ái và tinh thần chia sẻ.
Khuyến khích trẻ tham gia vào hoạt động kinh doanh nhỏ
Nhiều gia đình Do Thái cho phép trẻ tham gia vào các hoạt động kinh doanh nhỏ như bán hàng hay làm việc nhà để kiếm tiền. Điều này giúp trẻ hiểu rõ về quy trình kiếm tiền và giá trị của lao động. Qua trải nghiệm thực tế, trẻ học cách chịu trách nhiệm, đưa ra quyết định và hiểu rằng để kiếm được tiền không dễ dàng.
Dạy trẻ về đầu tư và rủi ro
Khi lớn lên, trẻ em Do Thái được hướng dẫn về các khái niệm tài chính như đầu tư, lợi nhuận và rủi ro. Cha mẹ sẽ giải thích cho trẻ về các hình thức đầu tư như: bất động sản, cổ phiếu, tầm quan trọng của việc đa dạng hóa tài sản. Họ cũng nhấn mạnh với trẻ rằng, đầu tư không chỉ là kiếm tiền mà còn là tạo ra giá trị bền vững.
Giáo dục sự kiên nhẫn và kỷ luật tài chính
Người Do Thái rất coi trọng kỷ luật trong tài chính. Họ dạy con cách lập kế hoạch, đặt mục tiêu và kiên nhẫn đạt được mục tiêu tài chính. Trẻ em Do Thái được khuyến khích tập trung vào những mục tiêu dài hạn thay vì những thứ hào nhoáng ngắn hạn.
Tầm quan trọng của tri thức trong kiếm tiền
Người Do Thái quan niệm tri thức là tài sản quý nhất và luôn nhấn mạnh kiến thức sẽ tạo ra cơ hội tài chính, đồng thời giúp quản lý tài chính hiệu quả hơn. Trẻ em được khuyến khích học tập không ngừng và đầu tư vào bản thân, vì đây là khoản đầu tư có giá trị nhất.
Tôn trọng các giá trị đạo đức trong kinh doanh
Người Do Thái chú trọng giáo dục trẻ em về đạo đức trong kinh doanh và quản lý tiền bạc. Họ dạy trẻ kiếm tiền nhưng không được đánh mất các giá trị cốt lõi là sự trung thực, lòng nhân ái, sự công bằng; kiếm tiền và sử dụng nó theo cách chính trực, có đạo đức.
Minh Thư
Ấn phẩm Vì trẻ em số 20