Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Người mang “mùa xuân” đến cho trẻ tự kỷ

Trần Huyền
Trần Huyền

Dù đã ở tuổi mà nhiều người chỉ muốn sum vầy bên con cháu, nhưng bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai (Hà Nội), vẫn ngày ngày cống hiến sức lực với mục đích duy nhất là mang đến tương lai cho những trẻ em thiệt thòi.

Tự kỷ không phải là thảm họa, thiếu hiểu biết mới là thảm họa! 

Được thành lập từ năm 1995 và là đơn vị đầu tiên dạy trẻ tự kỷ, Trung tâm Sao Mai thuộc Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam (CTTETTVN) đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc thăm khám, trị liệu, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, down…

Không chỉ trẻ em ở Hà Nội mà nhiều trẻ em, học sinh ở các tỉnh, thành trên cả nước cũng được người nhà đưa đến Trung tâm Sao Mai để khám, tư vấn, can thiệp sớm. Trung tâm đã giúp nhiều gia đình giảm bớt những áp lực trong việc dạy dỗ trẻ tự kỷ. 

Theo bác sĩ Đỗ Thuý Lan, trước năm 1992, tự kỷ vẫn được cho là một dạng bệnh tâm thần. Khi bị căn bệnh này, trẻ phải đến bệnh viện tâm thần để khám, uống thuốc điều trị. 

Bác sĩ Đỗ Thuý Lan.jpg
Bác sĩ Đỗ Thuý Lan.

Sau khi đi học ở Hà Lan, bác sĩ Đỗ Thuý Lan mới biết trẻ tự kỷ phải được hỗ trợ giáo dục chứ không phải y tế. Nhưng vào thời điểm đó, ở nước ta, trẻ tự kỷ thường không được đến trường do bị kỳ thị.

Nhận thấy sự cần thiết phải áp dụng các phương thức tiếp cận giáo dục hòa nhập song song với điều trị bằng thuốc dành cho trẻ em tự kỷ cùng sự thấu hiểu “tự kỷ không phải là thảm họa, thiếu hiểu biết mới là thảm họa”, bác sĩ Đỗ Thuý Lan quyết tâm mở lớp thí điểm giáo dục đầu tiên, sau này là Trung tâm Sao Mai để hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật trí tuệ…

Vượt qua rất nhiều khó khăn, từ việc thiếu cơ sở vật chất đến thiếu giáo viên có kỹ năng dạy trẻ tự kỷ, bác sĩ Đỗ Thuý Lan đã mạnh dạn mời các chuyên gia ở Hà Lan về tập huấn cho giáo viên, đặt bài từ các chuyên gia, xây dựng nhóm giáo viên nòng cốt, soạn giáo án và nghiên cứu, xây dựng bộ sách giáo khoa áp dụng cho trẻ tự kỷ...

“Thời gian đầu, Trung tâm chỉ có vài chục cháu, nhưng số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, có thời điểm lên 240 cháu. Ở các lớp thường, mỗi 1 lớp chỉ cần 1 giáo án vì trình độ các học sinh như nhau, nhưng ở trung tâm Sao Mai, 240 cháu là 240 giáo án khác nhau. Các cô phải hiểu cặn kẽ từng cháu để có phương pháp dạy phù hợp”, bác sĩ Lan chia sẻ.

Hiện Trung tâm Sao Mai có 200 học sinh, đa số là chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ. Học sinh  được chia thành 18 lớp, tuỳ thuộc vào độ tuổi và tình trạng khuyết tật trí tuệ.

Tại đây, các em được giáo viên, nhân viên dạy phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, kỹ năng xã hội, sử dụng các giác quan để nhận biết mọi thứ xung quanh, vận động tinh (viết), vận động thô (đi lại, chạy nhảy).

Trung tâm có 11 phòng trị liệu ngôn ngữ giao tiếp, 10 phòng trị liệu Denver, 1 phòng trị liệu tâm vận động, 1 phòng trị liệu phục hồi chức năng, 2 phòng điều hòa giác quan, 1 phòng trị liệu mỹ thuật, 2 bể bơi thủy trị liệu, 1 hội trường lớn, sân chơi trong nhà, bếp ăn, vườn rau… giúp trẻ được giáo dục, chăm sóc và trị liệu một cách tốt nhất.

1ead8bba60d0ca8e93c1.jpg

Bên cạnh đó, Trung tâm Sao Mai còn mở quán cà phê, mở phòng dạy làm bánh, photocoppy … giúp trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí tuệ lớn tuổi thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống để có thể hòa nhập cộng đồng.

Tiền thu được từ bán cà phê, bán bánh hay photocoppy sẽ được dùng để tái đầu tư mua nguyên liệu cho các em thực hành và mua sách vở, đồ dùng học tập. 

Người truyền cảm hứng

"Không làm giàu trên nỗi đau của người khác" là điều mà Giám đốc Đỗ Thuý Lan luôn tâm niệm khi đưa Trung tâm Sao Mai hoạt động theo mô hình một doanh nghiệp xã hội trong những năm qua.

Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình hoạt động theo hướng doanh nghiệp xã hội vẫn còn một số vướng mắc, bởi khái niệm về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, chưa có cơ chế đặc thù dành cho đối tượng “đặc biệt” này.

Nếu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Giám đốc Đỗ Thuý Lan sẽ rất khó xử lý các vấn đề tài chính của Trung tâm khi mà số lượng học sinh xin miễn giảm học phí nhiều (chiếm tới 20% tổng số học sinh, phần lớn là con em các gia đình nghèo).

Chính lý do này khiến Trung tâm Sao Mai dù được coi là mô hình doanh nghiệp xã hội thành công của Việt Nam, được nhiều tổ chức quốc tế đến tìm hiểu, học tập, nhưng Sao Mai vẫn hoạt động theo cơ chế của một tổ chức phi chính phủ.

Nhưng cũng không ngăn được tâm huyết cứu trợ trẻ em khuyết tật của người phụ nữ nhân hậu. Ở tuổi 76, bác sĩ Đỗ Thuý Lan vẫn không một ngày ngơi nghỉ. Hàng ngày, bà vẫn làm việc cần mẫn, miệt mài để điều hành Trung tâm.

Sáng thăm khám, chẩn đoán điều trị cho hàng chục trẻ tự kỷ, chiều bà lại tìm kiếm nguồn tài trợ, tìm kiếm các đối tác, tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ có thể bước ra cuộc đời. 

Gần 30 năm gắn bó với những đứa trẻ “đặc biệt”, điều mà bác sĩ Đỗ Thúy Lan luôn cảm thấy hạnh phúc bởi những tiếng cười gọi “con chào bà Lan” đầy trìu mến của học sinh mỗi ngày.  

Những thay đổi rõ nét và sự tiến bộ hàng ngày của học sinh; sự giúp đỡ, đồng hành của các bậc phụ huynh, giáo viên, nhân viên tại Trung tâm chính là động lực để bác sĩ Đỗ Thúy Lan làm việc và cống hiến không mệt mỏi trong suốt những năm qua.

Với rất nhiều gia đình đã, đang có con em theo học tại Trung tâm Sao Mai và chính bản thân những trẻ tự kỷ, bác sĩ Đỗ Thúy Lan chính là người mang mùa xuân đến cho họ.

Năm 2017, bác sĩ Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai, được Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế cùng Bảo tàng Phụ nữ vinh danh và nhận giải thưởng Tầm Nhìn dành cho những người phụ nữ truyền cảm hứng.

Mới đây, bác sĩ Đỗ Thúy Lan được Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam vinh danh vì cống hiến cuộc đời mình cho việc ngăn ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ cho trẻ em tự kỉ và khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam.

 

Xuân Quang