Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Nguy hại khi “phó thác” con cho thiết bị công nghệ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chỉ cần dúi cho con chiếc smartphone hoặc tivi, bố mẹ có thể thảnh thơi làm việc, nghỉ ngơi mà không bị con quấy nhiễu. Nhưng đồng nghĩa với đó, trẻ em đang bị đánh mất thời gian quý giá để phát triển.

Mỗi khi không có người trông con hay để dỗ con ăn, không ít phụ huynh chọn cách dúi cho con chiếc ipad, điện thoại và dần thành thói quen coi thiết bị điện tử như “chỗ gửi trẻ miễn phí”. TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, smartphone có những tác hại vô cùng lớn với trẻ. Trước tiên là sự suy giảm thính lực. 

thiet.jpg
Trẻ em sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ bị ức chế thần kinh, suy giảm thị lực.

Sau nữa, trẻ sử dụng nhiều smartphone sẽ bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng ghi nhớ. Đáng sợ nhất là trẻ bị nghiện mạng xã hội và gặp phải những vấn đề như các bệnh nhân nghiện các chất khác, có thể sử dụng máy nhiều giờ đồng hồ, thậm chí sử dụng thiết bị điện tử xuyên đêm mà không dứt ra. Khi không được sử dụng, trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada đăng trên tạp chí Huffingtonpost (Mỹ), trẻ em 0 - 2 tuổi không nên dính líu đến các sản phẩm công nghệ, 3 - 5 tuổi cần hạn chế 1 giờ/ngày và 6 - 18 tuổi hạn chế 2 giờ/ngày.

Nghiên cứu này chỉ ra hậu quả mà trẻ tiếp xúc quá nhiều thiết bị điện tử gồm: Tác động xấu đến não bộ; gia tăng các bệnh về trầm cảm, lo lắng, rối loạn gắn bó, có vấn đề về hành vi; dễ bị béo phì, đồng nghĩa với nguy cơ cao về tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ sớm. Các nội dung bạo lực, tình dục đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông có thể gây nên sự rối loạn về tinh thần ở trẻ. Trẻ dễ mắc chứng mất trí nhớ kỹ thuật số; nghiện các thiết bị công nghệ…

Theo chuyên gia trị liệu, trẻ em ngày càng kém về mặt xã hội, cảm xúc, học tập và các vấn đề khác. Sử dụng công nghệ như một “dịch vụ giữ trẻ miễn phí”, chính bố mẹ đang phải trả giá cho các khoản phí đó bằng hệ thống thần kinh, sự chú ý và khả năng trì hoãn sự hài lòng của con cái. Trẻ em biết nói, học được cách giao tiếp, biết cảm nhận cảm xúc từ người đối diện, biết điều chỉnh cảm xúc của mình… thông qua giao tiếp hàng ngày.

Ở giai đoạn 0 - 6 tuổi, trẻ em phát triển mạnh nhất và hai con đường chính để phát triển là thông qua vận động và giao tiếp với người lớn. Vì vậy, khi để trẻ xem tivi, ipad nhiều giờ liền, công nghệ đã cướp mất của trẻ cơ hội quý giá nhất để phát triển.

Chuyên gia Anh Nguyễn, tác giả cuốn sách “Làm mẹ không áp lực” cho rằng, cha mẹ nên hạn chế tối thiểu việc giới thiệu các thiết bị màn hình điện tử như ipad, điện thoại hay ti vi cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là để “mua thời gian” yên tĩnh hay để “giết thời gian” của trẻ. 

Nếu cho trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn các video mang tính giải trí (video có âm nhạc hoặc các nhân vật hoạt hình, hình ảnh đẹp) hoặc các video mang tính truyền tải hoạt động gần gũi (vui nhộn, có tính giải trí với trẻ nhỏ, truyền tải nội dung về các hoạt động hằng ngày của trẻ như đi tắm, đánh răng, đi ngủ, picnic hoặc chơi công viên)...

Đối với những trẻ quen sử dụng nhiều điện thoại, cha mẹ cần có lộ trình thiết lập thời gian sử dụng cho con phù hợp. TS Vũ Thu Hương cho biết, muốn con cai nghiện điện thoại, người lớn cũng cần loại bỏ thói quen xấu này, hạn chế tối đa việc lạm dụng các thiết bị điện tử, smartphone… Khi trẻ còn nhỏ, tuyệt đối tránh sử dụng điện thoại khi ở gần con, nếu cần hãy ra khỏi phòng nơi bé nằm.

Mặc dù bận rộn, cha mẹ cũng hãy dành thời gian chơi và quan tâm đến trẻ. Khi đi làm về, bạn có thể rủ con cùng vào bếp, dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện, hỏi han con về các hoạt động trong ngày của con.

Mỗi ngày, các bố mẹ nghĩ ra các trò chơi, hoạt động để tạo sự hứng thú cho trẻ, ví dụ: Cùng con vẽ tranh, xếp hình, cắt dán lọ hoa, đọc truyện, tô màu… Điều này không chỉ tăng thêm sự gắn kết gia đình mà còn kích thích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng của bé. Đặc biệt, trẻ cũng không còn thời gian rảnh mà nghĩ đến việc sử dụng điện thoại. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lập cho con một thời gian biểu hoạt động thật kín kẽ, khoa học và hướng dẫn con thực hiện theo thời gian biểu đó. Ngoài các hoạt động sinh hoạt thường ngày, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm việc nhà. Khi không còn thời gian rảnh rỗi, trẻ sẽ không bị cuốn hút vào thế giới công nghệ.

Đ. Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 87