Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Phim hoạt hình Việt với giấc mơ ra rạp

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với chất lượng chỉn chu, nội dung thuần Việt, nhiều phim hoạt hình Việt đã chinh phục được khán giả. Tuy nhiên, để thực hiện những bộ phim hoạt hình ngang tầm với các nước trên thế giới vẫn còn là trăn trở của các nhà làm phim.

Những năm gần đây, phim hoạt hình Việt đã thoát khỏi sự mặc định là phim của nhà nước, do nhà nước đầu tư và có những khởi sắc nhất định. Đó là sự xuất hiện của những đạo diễn trẻ, tài năng và đam mê cùng sự vào cuộc của các nhà sản xuất tư nhân.  

wolfoo-va-hon-dao-ky-bi.jpg

Có thể kể đến 3 bộ phim hoạt hình gồm: "Đinh Tiên Hoàng đế", phim cắt giấy 2D, dài 30 phút; "Tiếng cồng núi Nưa", phim hoạt họa, dài 30 phút và "Anh hùng núi Tản", phim 3D, dài 30 phút của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam ra mắt đầu năm đã thu hút sự chú ý của công chúng. Hội đồng Duyệt phim ngắn quốc gia, Cục Điện ảnh đánh giá đây là những phim hoạt hình có kịch bản hấp dẫn, được các đạo diễn, họa sĩ đầu tư, tìm tòi công phu, hoành tráng.

Bên cạnh đơn vị Nhà nước, nhiều doanh nghiệp phim hoạt hình Việt đã hướng tới sản xuất nội dung phục vụ thị trường quốc tế, học mẫu rồi cải tiến, áp dụng công nghệ 2D, 3D, Stop-motion vào công nghệ sản xuất hoạt hình và đã được thị trường quốc tế đón nhận.

Điển hình hãng Sconnect Việt Nam đã phát triển được 18 bộ nhân vật hoạt hình, với tổng số lượng sản xuất lên tới hơn 50.000 video, phát hành bằng nhiều ngôn ngữ. Trong đó, nổi bật nhất là series hoạt hình chú sói Wolfoo thu hút tới hơn 30 tỷ lượt xem trên YouTube, trong đó phần đông khán giả tới từ: Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam… 

Hay gần đây nhất, series hoạt hình 3D "Trạng Quỳnh thời nhí nhố" do Alpha Animation Studio và Sconnect Việt Nam hợp tác sản xuất, tuy mới phát sóng nhưng đã đón nhận được sự yêu thích của trẻ em và sự tin tưởng của phụ huynh.

Khác với những sản phẩm hoạt hình truyền thống, “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là dự án phim hoạt hình dài hơi đầu tiên sản xuất theo công nghệ hiện đại với một hệ sinh thái đồng hành. Ban đầu là các tập phim phát trên nền tảng xuyên biên giới, đưa phim ra rạp và phát triển sản phẩm thương mại nhượng quyền, sản phẩm giáo dục, game trực tuyến dành riêng cho nhân vật phim… 

Đặc biệt, các nhà làm phim hoạt hình đã thực hiện hóa ước mơ khi đưa hoạt hình ra rạp khi cuối năm 2023, hãng Sconnect đã công chiếu ra rạp thành công phim hoạt hình "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí".

image001-1018.png
Phim hoạt hình "Wolfoo và hòn đảo kỳ bí" đã thành công khi chiếu rạp.

Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn cho biết, việc này đánh dấu sự khởi đầu mới cho phim hoạt hình Việt Nam trên chặng đường chinh phục màn ảnh lớn cũng như thị trường quốc tế. Nhưng bên cạnh niềm vui đó, những người làm phim hoạt hình sẽ có thêm nỗi lo và áp lực mới về việc phải làm sao để có thể sản xuất thêm nhiều phim hoạt hình chiếu rạp hơn nữa trong tương lai cũng như đạt chất lượng ngang tầm các nước trên thế giới. 

Thực tế, phim hoạt hình chiếu rạp đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, kịch bản phim phải tốt và mới lạ, không thể chỉ là minh họa lại một câu chuyện cổ tích, kể về một nhân vật lịch sử theo kiểu tài liệu mà phải có sự hấp dẫn, nội dung sâu sắc, truyền tải thông điệp rõ ràng và mang hơi thở của thời đại.

Nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân lực đồng đều, chất lượng cao, thiết bị hiện đại đáp ứng yếu tố kỹ thuật vì phim chiếu ở rạp khác với chiếu trên truyền hình. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp cơ bản có thể dao động từ 17 đến 20 tỷ đồng. Đối với một số phim hoạt hình đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp, con số này có thể còn cao hơn. Đây thực sự là con số không hề nhỏ so với năng lực hiện tại của hãng phim hay các doanh nghiệp vừa và    nhỏ ở Việt Nam.

Trước thực trạng đó, NSND Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, để có thể sản xuất ra nhiều bộ phim hoạt hình chiếu rạp hơn nữa, rất cần có sự hỗ trợ, đầu tư từ chính sách của Nhà nước không chỉ về việc tạo sự kết nối, hợp tác, thị trường mà còn phải hỗ trợ cả về chính sách thuế, đào tạo nguồn nhân lực.

Duy Linh

Báo Lao động và Xã hội số 88

Tin liên quan