Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Phòng điều tra thân thiện giúp bảo vệ quyền lợi trẻ em

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Các bé được tham gia trò chơi, xem tranh ảnh, ăn bánh kẹo, hoa quả rồi cùng trò chuyện.

Được sự động viên của các cô, chú cán bộ điều tra và gia đình, các cháu đã bình tĩnh và trả lời chân thật, qua đó giúp công an củng cố hồ sơ sự việc. Đây là một trong những kết quả từ mô hình “Phòng điều tra thân thiện” phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi.

Linh hoạt, gần gũi với trẻ em

Triển khai Quyết định 1863 của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương xây dựng mô hình “Phòng điều tra thân thiện” phục vụ công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi.

Phòng điều tra thân thiện giúp bảo vệ quyền lợi trẻ em - 1
Một góc Phòng điều tra thân thiện tại Lai Châu.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Giang), với những đặc trưng riêng, buổi phỏng vấn, lấy lời khai tại Phòng điều tra thân thiện diễn ra cởi mở và đạt hiệu quả cao, góp phần điều tra xử lý nhanh chóng vụ việc. Điển hình, vụ xâm hại trẻ em đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Việt Yên mà lực lượng công an tỉnh Bắc Giang xử lý.

Theo đó, cháu T. (13 tuổi) bị 4 đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Trước đó, qua mạng xã hội, cháu T. quen biết  4 công nhân trên địa bàn. Trong một lần đến phòng trọ, cháu đã bị 4 người này thực hiện hành vi xâm hại tình dục. 

Ban đầu khi làm việc với cháu T. tại UBND thị trấn Việt Yên, cháu sợ sệt, e ngại, tinh thần không ổn định và không muốn khai báo về sự việc. Các chiến sĩ cảnh sát đã đưa cháu và gia đình về Phòng điều tra thân thiện. Để tạo tâm lý thoải mái, khi vào phòng, gia đình cháu được đi vào từ cổng phụ.

Đây là khu vực gần dân cư, giống như đến căn nhà tập thể của người dân chứ không phải phòng làm việc của công an. Trong Phòng điều tra thân thiện có hoa quả, tranh và rất nhiều truyện tranh.

Sau 20 phút đọc truyện, vừa ăn hoa quả, bánh kẹo vừa trò chuyện, được sự động viên của cán bộ điều tra và gia đình, cháu đã bình tĩnh trả lời. Qua đó, các điều tra viên đã củng cố được hồ sơ sự việc.

Giúp các em có đủ bình tĩnh, thoải mái về tâm lý 

Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, nạn nhân là bé gái thường bị tổn thương nhiều, hoảng loạn về tâm lý nên với căn phòng thân thiện, các em có đủ bình tĩnh, thoải mái về tâm lý để chia sẻ. 

Phòng điều tra thân thiện đáp ứng được quy chuẩn theo hướng dẫn của Bộ luật Hình sự, từ thiết bị ghi âm, thiết lập không gian thân thiện khác hẳn với phòng làm việc thông thường.

Phòng được chuẩn hóa gồm 14 danh mục: Rộng từ 12 - 20m2; màu sơn, rèm cửa, bàn ghế… tất cả tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, giúp nạn nhân có tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ. Phòng được trang bị tủ thuốc, tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh… 

Trong quá trình lấy lời khai, điều tra viên phải mặc trang phục ngành nhưng với các vụ án liên quan trẻ em, cán bộ điều tra có thể vận dụng linh hoạt để mặc thường phục, tạo cảm giác gần gũi.

Bên cạnh đó, cán bộ điều tra được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và 1 ngày không quá 2 lần theo quy định. 

Đặc biệt, Phòng điều tra thân thiện có thể được kết nối truyền trực tiếp hình ảnh, âm thanh buổi lấy lời khai đến phòng trung tâm chỉ huy khi có yêu cầu của người giám hộ, nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đây cũng là nơi lấy lời khai đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cung cấp theo nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho nạn nhân, người dưới 18 tuổi theo yêu cầu pháp luật tố tụng được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thượng tá Phạm Mai Hiên cho rằng, Phòng điều tra thân thiện rất tốt, tuy nhiên điều quyết định sự thành công của việc lấy lời khai, kỹ năng làm việc để tạo sự đồng cảm, chia sẻ của nạn nhân phải là cán bộ điều tra, điều tra viên. Trong khi đó, việc thụ lý số lượng vụ xâm hại trẻ em lên đến khoảng 2.000 vụ việc/năm sẽ là quá áp lực.

Do vậy, để việc lấy lời khai hiệu quả, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn cho điều tra viên và cán bộ điều tra tại 63 tỉnh, thành về kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân, kỹ năng giải quyết tin báo tố giác tội phạm cũng như hiểu được tâm lý trẻ em, có kỹ năng tiếp xúc ban đầu đối với tin báo tố giác tội phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Tất cả điều tra viên đều được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 2