Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Phòng ngừa tai nạn điện cho trẻ em trong mùa mưa bão

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Một trong những mối lo của các bậc cha mẹ mỗi khi mưa bão, lũ lụt chính là nguy cơ trẻ bị điện giật từ các thiết bị điện trong gia đình và nơi công cộng.

Trong mùa mưa bão, lũ lụt, người dân, đặc biệt là trẻ em luôn phải đối mặt với nhiều tai nạn thương tích. Trong đó, nguy cơ tai nạn thương tích, tử vong do điện giật thường xảy ra bất ngờ do khó phát hiện và việc hỗ trợ, cứu giúp nạn nhân gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

 Ngoài việc dạy trẻ những kiến thức cơ bản về an toàn điện, để phòng ngừa trẻ khỏi nguy cơ bị tai nạn điện trong mùa mưa bão, cha mẹ cần lưu ý một số hướng dẫn sau:

Không sử dụng các thiết bị điện khi tay ướt

Nguyên tắc đơn giản nhất mà mọi trẻ em cần ghi nhớ: Nước là vật truyền điện nên không bao giờ dùng tay ướt để chạm, bật, tắt, công tắc của các thiết bị điện như ti vi, quạt, bình nước nóng, máy giặt, hoặc bất kỳ thiết bị điện nào khác. Nguyên tắc này cũng được áp dụng để đảm bảo trẻ không làm đổ nước vào các thiết bị điện hoặc hệ thống dây điện trong nhà. 

Phòng ngừa tai nạn điện cho trẻ em trong mùa mưa bão - 1

Đóng cửa sổ khi trời mưa

Đóng cửa sổ, cửa ra vào mỗi khi trời mưa là điều cần thiết để đảm bảo an toàn điện trong nhà. Điều này sẽ hạn chế nước mưa có thể xâm nhập, chảy, ngấm vào ổ điện hoặc các thiết bị điện khác gây rò điện, chập, cháy và dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

Tắt các thiết bị điện khi mưa bão 

Trong mưa bão, các thiết bị điện đặt trực tiếp ở dưới đất có nguy cơ nhiễm điện và truyền điện ra môi trường xung quanh cao hơn các thiết bị điện được đặt ở trên cao. Tuy nhiên, việc rút phích cắm, tắt nguồn tất cả các thiết bị điện dù ở dưới đất hay trên cao là việc nên làm để đảm bảo an toàn.

Không vứt rác lên đường dây điện

Không bao giờ ném bất cứ thứ gì như nước, sợi kim loại hoặc phế liệu kim loại lên đường dây điện từ cửa sổ hoặc ban công. Dù là trời mưa hay nắng thì việc làm này có thể khiến hệ thống điện bị chập, cháy nổ và truyền điện ra xung quanh.

Thông báo khi phát hiện sự cố điện 

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng chập điện là xuất hiện mùi khét. Nếu ngửi thấy mùi khét từ các thiết bị điện, trẻ cần nhanh chóng báo ngay cho người lớn để có biện pháp xử lý. Trường hợp ở nhà một mình, trẻ cần rời khỏi khu vực đó và yêu cầu trợ giúp từ xung quanh hoặc liên lạc số điện thoại của cơ quan chức năng.

Không tự ý dùng đèn để sấy quần áo

Thời tiết mưa ẩm, nhiều trẻ em bắt chước người lớn dùng sức nóng của đèn để sấy khô quần áo. Tuy nhiên, nếu không làm đúng kỹ thuật có thể tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn hoặc chập điện. 

Không bao giờ đứng gần cột điện

Một số người có thói quen buộc động vật, mắc dây quần áo vào cột điện, cột đèn... mà không biết đã có nhiều trường hợp cả người và động vật tử vong do sự cố hở điện. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn không nên đứng gần hay chạm vào cột điện, trụ đèn, dây tiếp đất hay bất kỳ hộp điện nào, đặc biệt là khi trời mưa hoặc khu vực xung quanh có nước đọng hay ngập. 

Đề phòng tai nạn điện trên đường

Nếu đang di chuyển ngoài đường và gặp giông bão, trẻ cần được hướng dẫn bình tĩnh di chuyển tránh xa các công trình điện như cột đèn, trụ điện, trạm bơm, trạm biến áp, các công trình lắp đặt pa-nô quảng cáo… đặc biệt là không đứng dưới đường dây dẫn điện cao áp.

Trong trường hợp phát hiện hiện tượng bất thường (cột điện đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, cây đổ đè vào đường dây, cháy nổ trạm điện, người hoặc vật nuôi bị điện giật) thì trẻ cần bình tĩnh, tuyệt đối không được tự ý can thiệp mà hãy gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ mọi người.  

Minh Châu

Ấn phẩm Vì trẻ em số 18