Do đó, cần nhiều giải pháp và cách tiếp cận mang tính toàn cầu nhằm hạn chế và phòng ngừa các vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Trẻ em bị bỏ quên trên xe, vấn nạn của nhiều quốc gia

Cùng với sự phát triển của các phương tiện giao thông như ô tô, tầu hỏa, tầu thủy, máy bay… tình trạng trẻ em tử vong hoặc gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe do bị bỏ quên trên các phương tiện này cũng trở nên phổ biến, đặc biệt là ô tô cá nhân và xe chuyên chở học sinh.
Thống kê toàn cầu của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về Châu Âu (UNECE) vào cuối năm 2023 cho thấy, trung bình mỗi năm có gần 40 trẻ em tử vong trên khắp nước Mỹ do nóng và thiếu dưỡng khí sau khi bị bỏ quên trong xe (trên thực tế, con số này có thể cao hơn).
Một khảo sát của Kids and Cars Safety (KSC) - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ cũng cho thấy, từ năm 1990 đến nay, ít nhất đã có 1.000 trẻ em đã tử vong trong ô tô do nóng. Năm 2018, Mỹ đã ghi nhận kỷ lục về số trẻ bị bỏ quên đến chết trong xe là 52 trẻ.
Một số quốc gia khác cũng ghi nhận trẻ em tử vong do bị bỏ quên trên xe tương đối cao. Tại Úc, trung bình mỗi năm cũng ghi nhận 2-3 trường hợp tử vong trên xe. Tại Pháp, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2019 cũng cho thấy có 42 trẻ em liên quan đến bỏ quên trên xe ô tô và có 10 trường hợp tử vong.
Tại Israel, trong số hơn 800 vụ việc trẻ bị bỏ quên hoặc bị mắc kẹt trên xe được thông báo từ năm 2010 đến nay thì có gần 40 trẻ em được xác định đã tử vong.
Ngoài ra, Đức, Ý, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovenia, Brazil… cũng được UNECE yêu cầu gửi báo cáo về số vụ trẻ em bị bỏ quên trên xe. Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… cũng là những nước ghi nhận nhiều trường hợp bị bỏ quên và tử vong trên xe.
Tại Trung Quốc, trong 2 năm vừa qua có gần 20 trẻ em tử vong do say nắng và sốc nhiệt vì bị bỏ quên trên xe .
Theo đánh giá của UNECE, những thảm kịch này có thể bắt nguồn từ sự vô ý, tâm lý chủ quan, tác động của bệnh lý, ngoại cảnh và cả việc cố tình bỏ rơi trẻ trên xe. Mặc dù việc phán xét, cảm thông hoặc đổ lỗi cho những cá nhân gây ra thảm kịch như vậy là điều khá dễ dàng, nhưng sẽ hiệu quả và nhân đạo hơn nếu tìm kiếm các giải pháp có thể giúp ngăn chặn chúng xảy ra lần nữa.
Cần những giải pháp phù hợp và mang tính cộng đồng
Cũng theo UNECE, hiện đã có nhiều quốc gia, tổ chức khác nhau đồng ý thực hiện thu thập thông tin và số liệu thống kê toàn cầu về vấn đề trẻ em bị bỏ lại trong xe.
Những năm gần đây, việc ứng dụng nghiên cứu công nghệ theo hướng tiếp cận để phát triển các hệ thống cảm biến, camera có thể gắn vào ghế chuyên dụng cho trẻ em, ghế trên ô tô, phía cuối xe đưa đón để cảnh báo nếu trẻ em, học sinh vẫn ở trong xe đã được chú trọng.
Bên cạnh những giải pháp công nghệ, nhiều quốc gia cũng luật hóa các quy định nhằm bảo vệ trẻ em trên xe. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cha mẹ/người giám hộ hoặc người chăm sóc để trẻ em trong xe mà không có người giám sát có thể phải đối mặt án tù lên tới 10 năm.
Ở Mỹ, nhiều bang cho phép cảnh sát có quyền bắt một người nếu tin rằng người đó bỏ trẻ dưới 7 tuổi trong xe trong hơn 5 phút mà không có người từ 14 tuổi trở lên đi cùng. Người có hành vi bỏ trẻ em trên xe cũng có thể bị buộc các tội hình sự với mức án cao nhất là 15 năm tù.
Tương tự, các bang ở Australia cũng quy định đối với việc bỏ trẻ em trên xe mà không có người giám sát với mức phạt tối đa 3 năm tù…
Tuy nhiên, để các chiến dịch này có hiệu quả, UNECE nhấn mạnh các giải pháp cần được phổ biến rộng rãi, phù hợp với văn hóa, bối cảnh địa phương và nhất là việc thúc đẩy ý thức hỗ trợ và trách nhiệm lẫn nhau trong cộng đồng, giúp đỡ hoặc hỗ trợ khi nhận thấy ai đó đang gặp khó khăn;
Tích cực trong việc tạo ra một nền văn hóa quan tâm, cảnh giác và báo cáo bất kỳ tình huống đáng ngờ hoặc nguy hiểm nào liên quan đến trẻ em trong xe ô tô cho chính quyền; Không nên do dự khi can thiệp hoặc hành động nếu thấy trẻ em bị bỏ lại một mình trong xe hơi, vì mỗi phút đều có giá trị trong việc cứu sống một mạng người.
Những nỗ lực chung này là cần thiết để đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc của tất cả trẻ em.
Quy định mới về thiết bị cảnh báo trên xe đưa đón học sinh tại Việt Nam
Nhằm hạn chế những rủi ro trong việc bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón học sinh, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua một số sửa đổi trong Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ ngày 27/6 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trong đó có quy định, xe đưa đón học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm, được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi.
Tháng 7 vừa qua, Ford Transit vừa ra mắt 3 phiên bản hoàn toàn mới, với nhiều trang bị và tính năng được đánh giá là rất thiết thực cho cả hành khách lẫn chủ doanh nghiệp vận tải. Đáng chú ý ở đây có cả tính năng giám sát việc tài xế phải kiểm tra trong xe đảm bảo không có hành khách nào, đặc biệt là trẻ em bị "bỏ quên" trước khi kết thúc chuyến đi.
Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ cũng quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm của lái xe, người quản lý, trong việc giám sát, kiểm tra trẻ em, học sinh khi lên xe, xuống xe và trong những tình huống cụ thể. Các cơ sở giáo dục cũng phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình.
Luật cũng bổ sung quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ).
Xuân Quang
Ấn phẩm Vì trẻ em 15