Rèn kỹ năng tài chính từ tiền lì xì
Sau mỗi dịp Tết, nhiều trẻ nhỏ nhận được khoản tiền lì xì đáng kể. Đây không chỉ là niềm vui đầu năm mà còn là “cơ hội vàng” để phụ huynh hướng dẫn con quản lý tài chính và sử dụng tiền một cách hợp lý, giúp trẻ hình thành trách nhiệm cá nhân, tư duy logic và kỹ năng ra quyết định.

Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ một số phương pháp bản thân chị đã áp dụng với con gái để giúp con sử dụng tiền lì xì hiệu quả:
Đổi lì xì lấy quà: Khi con còn nhỏ, bà giới hạn số tiền được giữ dưới 100 nghìn đồng. Số tiền trên mức này sẽ đổi cho mẹ theo tỷ lệ 1/10 và dùng để mua đồ dùng học tập.
Lập kế hoạch chi tiêu cho các sự kiện: Trẻ được chia nhỏ tiền lì xì theo tháng để mua quà tặng các dịp sinh nhật, lễ, tết cho người thân và bạn bè.
Tự lo bữa sáng: Khi con lớn hơn, thay vì quản lý giúp, cha mẹ giao tiền lì xì để con tự chi trả các bữa sáng.
Chi tiêu cho các khoản lớn: Tiền lì xì được sử dụng để mua sách vở, đồng phục đầu năm học. Trẻ sẽ lập danh sách những món cần mua, giúp rèn luyện khả năng quản lý ngân sách.
Tự tổ chức sinh nhật: Trẻ học cách tiết kiệm tiền khi tự chuẩn bị đồ trang trí, bánh kẹo cho bữa tiệc sinh nhật của mình.
Mua sắm quần áo: Khi đổi mùa, trẻ dùng tiền lì xì để mua sắm, giảm gánh nặng chi tiêu cho cha mẹ.
Theo TS. Vũ Thu Hương, dù ban đầu có thể trẻ phản đối những phương pháp trên, nhưng với sự hướng dẫn kiên nhẫn của cha mẹ, trẻ sẽ dần hình thành tư duy tài chính từ nhỏ.
Dạy trẻ quản lý và sử dụng tiền đúng cách

Bên cạnh IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc), FQ (chỉ số tài chính) cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, trẻ cần được trang bị kiến thức về tài chính từ sớm để hình thành thói quen chi tiêu hợp lý.
Khi con 4-5 tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ các khái niệm cơ bản về tiền, như cách nhận diện mệnh giá. Lớn hơn, trẻ có thể được giao một khoản tiền nhỏ để tự mua đồ và lập kế hoạch chi tiêu.
Dưới đây là một số phương pháp cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ quản lý và sử dụng tiền thông minh:
Dạy con trân trọng giá trị đồng tiền: Dạy trẻ về tiền khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ có nền tảng và khơi gợi sự quan tâm của trẻ đến việc kiếm tiền, tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý. Cha mẹ có thể giải thích cho con tiền đến từ đâu, cách mà cha mẹ làm việc để có được thu nhập, vì sao cha mẹ có tiền trong tài khoản ngân hàng.
Việc này giúp trẻ hiểu rằng tiền không phải tự nhiên có mà là kết quả của lao động và công sức, từ đó hình thành thói quen tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí.
Hướng dẫn con tiêu tiền qua hoạt động thực tế: Cách thực tế nhất để cha mẹ dạy trẻ cách tiêu tiền là cho con tham gia vào các giao dịch mua bán hằng ngày. Cha mẹ cần dạy trẻ biết cách đánh giá nhu cầu thực sự của mình, phân biệt thứ mình muốn và thứ mình cần.
Trước khi đi mua sắm, cha mẹ cùng con tạo một danh sách, liệt kê những gì sẽ mua, cửa hàng sẽ đến và phạm vi giá cho từng sản phẩm. Với những mặt hàng giá trị lớn hơn, cha mẹ giúp trẻ tham khảo và so sánh giá của sản phẩm trên các kênh khác nhau.
Cha mẹ cũng nên dạy con cách sử dụng các phiếu giảm giá hay tận dụng các chương trình khuyến mãi. Như vậy, trẻ sẽ học được thói quen lập kế hoạch mua hàng trước khi đi mua sắm.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho con trải nghiệm các hoạt động tài chính thực tế như gửi tiền vào ngân hàng, đọc hóa đơn, hoặc chứng kiến các hình thức thanh toán. Việc cha mẹ làm gương trong việc tiết kiệm và tiêu dùng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và sử dụng tiền.
Nhận biết giá trị của hàng hóa: Trẻ dễ bị thu hút bởi các quảng cáo trên truyền hình và có xu hướng muốn mua các sản phẩm đắt tiền hoặc hàng hiệu. Cha mẹ cần giúp con phân biệt giá trị thực của sản phẩm, hiểu rằng nhiều mặt hàng bình dân vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các mục đích khác.
Khuyến khích trẻ biết chia sẻ: Việc dạy con biết chia sẻ và giúp đỡ người khác cũng là một phần quan trọng trong giáo dục tài chính. Cha mẹ có thể khuyến khích con quyên góp một phần tiền cho từ thiện và giúp con hiểu rằng tiền không chỉ để mua sắm mà còn có thể dùng để giúp đỡ những người khó khăn.
Kể cho con nghe những câu chuyện về các hoàn cảnh kém may mắn là một cách hay để cha mẹ có thể khơi dậy lòng nhân ái và sự đồng cảm ở trẻ.
Khi được học về cách quản lý và tiêu tiền đúng cách từ nhỏ, trẻ sẽ dần phát triển những kỹ năng quan trọng như tính kỷ luật, khả năng lập kế hoạch và sự kiên nhẫn. Những bài học này không chỉ giúp trẻ trở thành người tiêu dùng thông minh mà còn hình thành thói quen tài chính lành mạnh, mang lại lợi ích lâu dài trong cuộc sống.
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 3