Quy định này sẽ góp phần quản lý chặt thị trường game, hạn chế tác hại đối với trẻ nhỏ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận cấp cứu cháu B.Q.V. (15 tuổi, tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) với triệu chứng đau dữ dội vùng cột sống cổ và liệt tứ chi.
Người nhà cho biết, cháu V. thường chơi game trên điện thoại. Trong quá trình chơi, V. thường lắc, giật mạnh cổ để giảm mệt mỏi. Các bác sĩ xác định đây là nguyên nhân khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh, gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.
V. được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu. May mắn, ca mổ thành công, tình trạng liệt tứ chi được cải thiện cùng kết hợp tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn.

Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn khi nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn.
Hay trường hợp nam sinh 14 tuổi (Hà Nội) phải nhập viện tâm thần do tâm lý bị ảnh hưởng trầm trọng, xuất hiện nhiều hành vi chống đối, tự gây hại cho bản thân. Mẹ nam sinh cho biết, cậu con trai thường xuyên chơi game. Khi gia đình hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, nam sinh tỏ thái độ với bố mẹ, dùng dao lam tự cứa vào tay, đập đầu vào tường…
Trong các buổi trị liệu, cậu bé chia sẻ rằng luôn nghe thấy những giọng nói kỳ lạ trong đầu, như thể có ai đó đang ra lệnh cho mình. Cậu tin rằng thế giới chỉ là trò chơi ảo và không có thật.
PGS, TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc chơi game quá mức dẫn tới nghiện sẽ để lại rất nhiều hậu quả, trong đó có các vấn đề trực tiếp liên quan tới sức khỏe như: Mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, cận thị, bệnh về cột sống, béo phì do lười vận động, phản ứng chậm chạp…
Ngoài ra, trẻ còn thiếu chú tâm học tập, trở nên lầm lì, ít giao tiếp, có thể trầm cảm. Việc nghiện nặng còn khiến đầu óc trở nên không thực tế, thay đổi tính cách, có hành vi không phù hợp như nói dối, ăn trộm, đánh nhau…
Để hạn chế tình trạng trẻ nghiện game, theo Nghị định 147 mới được Chính phủ ban hành, trẻ em dưới 18 tuổi sẽ không được chơi quá 60 phút/ngày đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.
Nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật để quản lý giới hạn thời gian này. Ngoài ra, đơn vị phát hành phải đưa ra thông tin khuyến cáo người chơi trên màn hình thiết bị, với tần suất 30 phút/lần trong suốt quá trình chơi.
Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech nhận định, tỷ lệ phạm tội trong lứa tuổi trẻ hoặc vị thành niên đa phần xuất phát từ nghiện game.
Nghiện game sẽ tạo ra một thế hệ trẻ mệt mỏi, thiếu tập trung học tập, thiếu kiến thức, kỹ năng, từ đó ảnh hưởng tới nguồn nhân lực quốc gia, tác động lớn đến nền kinh tế.
Việc chơi game nhiều sẽ làm giới trẻ thiếu sự phát triển toàn diện, ít tham gia hoạt động thể thao và ngoài trời. Các quy định mới giới hạn thời gian chơi game cho trẻ được Chính phủ ban hành hết sức kịp thời.
Theo ông Tuấn Anh, Việt Nam có thể tham khảo quy định của một số nước. Ví dụ tại Trung Quốc, người dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 tiếng/tuần và chỉ được chơi vào cuối tuần, ngày lễ ở một số khung giờ nhất định. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý về mặt bảo mật thông tin cho người chơi game và cả người giám hộ.
Tới đây, doanh nghiệp cung cấp game sẽ phải dán nhãn độ tuổi cho từng trò chơi. Bộ TT&TT cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp quản lý kho ứng dụng xác thực các game đã được cấp phép và gỡ bỏ game không phép.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết: "Bộ TT&TT đang đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ làm phần mềm giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra các tài khoản đã được định danh mà cung cấp cho trẻ em trên 60 phút thì sẽ bị xử phạt rất nghiêm".
Đức Thọ
Báo Lao động và Xã hội số 144