Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Sôi nổi các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng cho học sinh

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Học trải nghiệm sáng tạo đang trở thành xu hướng phổ biến tại nhiều trường học, giúp học sinh tiếp cận thực tế cuộc sống một cách sinh động.

Thông qua hoạt động này, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách chủ động và đa chiều mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết của thế hệ công dân toàn cầu.

Khơi dậy niềm đam mê học tập 

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là nội dung giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12.

Sôi nổi các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng cho học sinh - 1
Học sinh vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) trải nghiệm nghề đan lát. Ảnh: Thế Lượng

Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động này diễn ra khá phong phú, đa dạng dưới nhiều hình khác nhau, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, phát huy sáng tạo trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

Hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Cùng với đổi mới phương pháp dạy và học, ngày càng có nhiều trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa, giúp học sinh “học mà chơi, chơi mà học”.

Học sinh ở các bậc học được tham gia đa dạng các hoạt động trải nghiệm như: Tham quan, dã ngoại tại các địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục; giáo dục các kỹ năng sống; các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoạt động xã hội, lao động công ích; giáo dục các kỹ năng tự vệ, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng mềm…

Thông qua các hoạt động thực hành, việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả.

Với việc tổ chức đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, nhiều trường học đã trang bị thêm cho học sinh các kỹ năng sống, kiến thức bổ ích. Có thể nói, những hoạt động trải nghiệm giúp hình thành thói quen tốt, sự tự tin, tư duy sáng tạo, khả năng tập trung, khơi dậy niềm đam mê học tập trong học sinh.

Sáng tạo trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm 

Những năm qua, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh được các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên kế hoạch thực hiện theo từng chủ đề, chủ điểm ngay từ đầu năm học. 

Sôi nổi các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng cho học sinh - 2
Trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng có ích cho cuộc sống. Ảnh: Thu Trang

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lưu (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: “Nhà trường thường xuyên đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép vào các môn học. Để nội dung các chủ đề thêm phong phú, khơi gợi sự tìm tòi, khám phá của học sinh.

Các giáo viên còn chủ động xây dựng hệ thống tư liệu, tranh, ảnh, video,… đưa vào giảng dạy trong các hoạt động. Nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các mô hình trồng rau tại địa phương.

Thông qua đó, giúp các em học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách và các năng lực tâm lý, xã hội; tích lũy kinh nghiệm riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân”.

Là học sinh tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm của nhà trường, em Nguyễn Hoài Nam (lớp 4A, Trường Tiểu học Quảng Lưu), chia sẻ: “Tham gia hoạt động này, chúng em vừa được trải nghiệm, vừa tiếp thu thêm những kiến thức mới từ thực tiễn. Từ đó, chúng em vận dụng một cách có hiệu quả những kiến thức này vào học tập, sinh hoạt hằng ngày”.

Thầy Phạm Dũng, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) cho biết: “Hằng năm, Liên đội nhà trường thường tổ chức cho các em đội viên tham gia các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu, tham quan di tích lịch sử tại địa phương, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Ngoài ra, các em còn được tham gia các trò chơi dân gian, hội thi xếp sách trang trí, sắp xếp góc học tập, kỹ năng tự phục vụ bản thân… Các hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhà trường,  các bậc phụ huynh và sự tham gia tích cực của các em học sinh”.

Trở về sau chuyến tham quan các di tích lịch sử, thăm các làng nghề truyền thống  và trải nghiệm đồng ruộng, em Mạnh Dũng (lớp 4A, Trường Tiểu học Triệu Trạch) cảm thấy rất thú vị và bổ ích.

Mạnh Dũng cho biết: “Chúng em được tìm hiểu cách nông dân trồng lúa, dưa hấu và nhiều loại cây trồng; biết cách làm ra bánh ướt cũng như hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương. 

Nhờ các chuyến trải nghiệm thực tế, chúng em học được nhiều kỹ năng sống, tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích”.

Linh hoạt, sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là cách làm của nhiều trường học ở vùng cao Tây Bắc.

Thay vì tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm bằng hình thức tham quan tại các địa điểm di tích, khu du lịch, các nhà trường ở Tây Bắc đã tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chỗ gắn với đặc thù địa phương. Cách làm sáng tạo này vừa giúp học sinh dễ tiếp cận vừa giảm chi phí, kết hợp được sự hỗ trợ của địa phương.

Tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình… nhiều trường học đã tổ chức dạy hướng nghiệp có sự kết hợp giữa dạy học trên lớp với trải nghiệm thực tế để mang lại những tiết học sinh động, đậm sắc màu thực tiễn và văn hóa địa phương.

Các trường còn tổ chức giờ học trải nghiệm hướng nghiệp ngay tại nhà sàn, mời nghệ nhân truyền thụ các nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực, hát then và hướng dẫn học sinh văn hóa ứng xử của đồng bào các dân tộc.

Thầy giáo Quan Văn Thưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ: “Những tiết học trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường là không gian học sinh được hòa mình với kiến thức thực tiễn, có ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để học sinh hình thành những ý tưởng hướng nghiệp trong tương lai”.

Thùy Dương

Ấn phẩm Vì trẻ em số 20