Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Trải nghiệm học tập: Chìa khóa mở lối sáng tạo

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Nhiều trường học trên cả nước đang đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp kết nối lý thuyết với thực hành.

Điều này không chỉ hỗ trợ học sinh vận dụng kiến thức vào đời sống mà còn phát triển tư duy sáng tạo, một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại.

Giáo viên - "Người dẫn đường" khơi dậy sáng tạo

Trong giáo dục hiện đại, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người khơi dậy khả năng sáng tạo của học sinh.

Thay vì giảng một chiều, giáo viên khuyến khích học sinh tham gia thảo luận, đặt câu hỏi mở như: "Tại sao điều này xảy ra?", "Có thể giải quyết vấn đề này theo cách nào khác?"... Những câu hỏi này giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ.

Trải nghiệm học tập: Chìa khóa mở lối sáng tạo - 1
Ngày hội STEM công nghệ 2024 (Ảnh: Thanh Huyền).

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ như trình chiếu đa phương tiện, học liệu điện tử hay các nền tảng số tương tác cũng mang lại hiệu quả tích cực. Chẳng hạn, nền tảng Hành trang số giúp học sinh khám phá kiến thức qua các bài học trực quan, sinh động, từ đó khơi gợi sự tò mò và sáng tạo.

Học sinh cần chủ động và kiên trì

Tư duy sáng tạo không đến một cách ngẫu nhiên mà cần rèn luyện lâu dài. Học sinh cần thay đổi cách tiếp cận, đặt câu hỏi và thử nghiệm phương pháp học mới. Ví dụ, trong môn Lịch sử, thay vì ghi nhớ máy móc, học sinh có thể tự đặt câu hỏi như: "Tại sao sự kiện này lại xảy ra? Có thể rút ra bài học gì?"... Điều này không chỉ giúp hiểu sâu mà còn kích thích tư duy logic và sáng tạo.

Ngoài ra, việc kết nối kiến thức liên môn cũng rất quan trọng. Kỹ năng phân tích từ môn Toán có thể áp dụng vào thí nghiệm Vật lí, Hóa học; cảm thụ văn học từ môn Ngữ văn kết hợp với Mĩ thuật để tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

Học sinh cũng nên thử nghiệm các phương pháp học như lập sơ đồ tư duy, tham gia câu lạc bộ khoa học hoặc các dự án học tập. Những trải nghiệm này giúp hình thành thói quen tư duy sáng tạo và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế.

Phát triển tư duy sáng tạo từ sớm

Trải nghiệm học tập: Chìa khóa mở lối sáng tạo - 2

Khả năng sáng tạo có thể được rèn luyện từ nhỏ thông qua các phương pháp giáo dục linh hoạt như:

Học qua dự án: Thực hiện các nhiệm vụ thực tế như tái chế rác thải thành đồ dùng học tập hoặc xây dựng mô hình khoa học đơn giản,… giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, làm việc nhóm và kỹ năng trình bày.

Học qua trải nghiệm: Các buổi học ngoài trời, thí nghiệm khoa học hay khám phá môi trường sống xung quanh giúp học sinh quan sát, suy luận và tự tìm tòi, từ đó kích thích trí tưởng tượng và giải quyết tình huống thực tế.

Hoạt động ngoại khóa: Tham gia câu lạc bộ khoa học, nghệ thuật hay văn học giúp học sinh rèn luyện khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và phản biện. Những hoạt động như viết, vẽ tranh hay thuyết trình cũng giúp các em thể hiện bản thân và phát triển năng lực sáng tạo.

Ứng dụng công nghệ: Các công cụ học tập số và giáo dục STEM mang đến cơ hội tiếp cận kiến thức mới mẻ, hiện đại. Những phần mềm mô phỏng hay bài giảng tương tác khuyến khích học sinh thử nghiệm ý tưởng và phát triển khả năng ứng dụng thực tiễn.

Kết hợp nghệ thuật và khoa học: Việc lồng ghép các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Hội họa với Khoa học sẽ khuyến khích tư duy đa chiều, vừa học vừa phát triển cảm xúc.

Để khơi dậy sáng tạo, giáo viên và học sinh cần đồng hành. Giáo viên tạo môi trường học mở, khuyến khích khám phá và thử nghiệm, trong khi học sinh chủ động tham gia, không ngại sai sót và kiên trì. Khi cả hai cùng phát huy vai trò, sáng tạo trở thành động lực học tập, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, giúp học sinh không chỉ giỏi kiến thức mà còn tự tin, linh hoạt và sáng tạo – những phẩm chất quan trọng trong thế kỷ XXI.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 24