Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Sống sẻ chia trẻ cần học từ nhỏ

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Trong thực tế, có không ít trẻ em sống ích kỷ, thờ ơ, thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh, thậm chí ngay cả với người thân trong gia đình.

Bạn có thể nghĩ đó là chuyện trẻ con, tuy nhiên sự ích kỷ ảnh hưởng nhiều tới việc hình thành nhân cách và lối sống của trẻ sau này. Biết sống sẻ chia là một trong những kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần dạy trẻ càng sớm càng tốt. 

Khi biết chia sẻ, cuộc sống của trẻ trở nên hạnh phúc, ý nghĩa hơn

Một ngày, cha mẹ sẽ ngạc nhiên khi cô con gái nhỏ của mình hét lên “của tớ” và giằng lấy con búp bê của bạn cùng chơi, hay thấy cậu con trai lăn ra “ăn vạ” khi bạn nhặt quả bóng của con.

Để hiểu được hành động của con, bạn cần hiểu về tâm lý của trẻ theo từng giai đoạn. Trẻ hành động theo cách nhìn nhận của lứa tuổi đối với thế giới xung quanh và những đồ vật hay món đồ chơi của trẻ là của riêng chúng.

day-con-biet-yeu-thuong-cha-me-3.jpeg
Luôn để trẻ được sống trong tình yêu thương, chia sẻ. 

Dưới 2 tuổi, trẻ vẫn chưa sẵn sàng để chia sẻ, do đó mâu thuẫn giữa các trẻ có thể xảy ra xoay quanh việc cho và nhận, cha mẹ nên chuẩn bị trước tâm lý này và cần để mắt hơn để trẻ có thể chơi hòa đồng cùng những 
trẻ khác.

Trẻ từ 2 tuổi đang bắt đầu hình thành sự hiểu biết nhất định về sự sở hữu và đang phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân, điều này khiến “của con” và “không” trở thành 2 từ quen thuộc của trẻ. Tất nhiên, cũng có một số trẻ cảm thấy vui vẻ khi chia sẻ món đồ chơi mà mình yêu thích, song phần lớn trẻ đều có suy nghĩ muốn được sở hữu nhiều hơn.

Trẻ cần được học về cách chia sẻ trong một khoảng thời gian. Cha mẹ nên giới thiệu cho con những ưu điểm của sự chia sẻ, từ đó xây dựng nền tảng cho việc hình thành đức tính tốt này khi con lớn dần. Hãy dạy con biết chia sẻ đồ chơi với bạn, nhường nhịn em nhỏ tuổi hơn, kính trọng người lớn hơn.

Dần dần, trẻ sẽ biết tự phân biệt điều nào nên làm và không nên làm. Con sẽ tự ý thức được phải ứng xử với những người xung quanh như thế nào cho đúng.

Giáo viên dạy kỹ năng sống Trần Ngọc Ánh chia sẻ với các bậc cha mẹ một số bí quyết, đó là cha mẹ và con có thể cùng nhau tham gia trò chơi xoay vòng. Xoay vòng là một cách hay để khuyến khích trẻ tương tác với người khác một cách công bằng, giúp trẻ có thói quen chia sẻ.

Ví dụ, có một con gấu bông, các thành viên lần lượt truyền tay con gấu bông và nói một điều mình muốn làm với con gấu bông đó. Khi ấy, trẻ sẽ hiểu nếu chỉ một mình sử dụng con gấu bông thì sẽ không thể chăm sóc tốt cho nó.

Lưu ý tránh ghi nhãn sở hữu, không nói món đồ nào thuộc về ai. Đối với gia đình có nhiều trẻ, hãy khuyến khích sở hữu chung mà không phải chỉ của một người. Trẻ sẽ có cảm giác như phải bảo vệ đồ của mình với anh chị em.

 Thay vì chơi nhiều món đồ chơi một lúc thì hãy cho trẻ chơi cùng nhau một món đồ chơi và tổ chức hoạt động nhóm để nâng cao kỹ năng sống chia sẻ cho bé. Một yếu tố quan trọng khác là phụ huynh hãy khen ngợi con khi thấy trẻ chia sẻ. và ghi nhận những tiến bộ của con, thay vì cố tìm ra lỗi sai để trách mắng, giáo viên Ngọc Ánh cho biết.

3265399-day-con-co-thoi-quen-chia-0.jpg
Yêu thương, sẻ chia là đức tính tốt mà cha mẹ nên dạy trẻ khi còn nhỏ. 

Dạy trẻ biết sống sẻ chia

Để trẻ được sống trong tình yêu thương, chia sẻ: Cha mẹ hãy quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, lắng nghe ý kiến, tâm sự của con, không để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho trẻ khi trẻ gặp phải vấn đề nào đó, để ý đến những sở thích của trẻ…

Khi cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc với sự yêu thương, quan tâm của người khác, trẻ sẽ hình thành được tính cách biết yêu thương bố mẹ và những người đã yêu 
thương mình.

Khích lệ trẻ biểu hiện sự yêu thương, sẻ chia bằng hành động: Cha mẹ hãy hướng dẫn con thể hiện hành động cụ thể như: chào hỏi lễ phép, nghe lời cha mẹ, chăm ngoan học tốt, phụ giúp việc nhà, kính trọng người lớn tuổi, nhường nhịn em nhỏ, sẻ chia với bạn bè, giúp đỡ người gặp khó khăn…

Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy cùng con tham gia một số hoạt động thiện nguyện để con được trải nghiệm.

Dạy trẻ yêu thương, chia sẻ qua đọc sách, xem phim: Tùy thuộc vào từng độ tuổi, tính cách của trẻ mà cha mẹ lựa chọn những cuốn sách, bộ phim có nội dung phù hợp. Cha mẹ đừng quên hỏi lại con nội dung mà trẻ đã đọc, đã xem và đặt ra câu hỏi xem trẻ cảm nhận như thế nào.

Dạy trẻ thông qua việc chăm sóc cây cảnh, thú cưng: Tình yêu thương, chia sẻ không nhất thiết là giữa người với người mà còn là hành động của con người đối với động vật, với thiên nhiên.

Cha mẹ cho con làm quen với việc quan tâm, chăm sóc cây hoa hay thú cưng mà trẻ yêu thích. Chính việc cho thú cưng ăn, tưới cây mỗi ngày, nhìn chúng phát triển cũng sẽ khiến trẻ hạnh phúc, vui vẻ và hình thành tình yêu thương với mọi vật trong cuộc sống.

Nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực: Cha mẹ nên hướng dẫn con nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn.

Ví dụ, cha mẹ dạy trẻ biết ơn những gì mình đang có, dù gia đình không quá khá giả, nhưng mọi người luôn yêu thương nhau là điều quan trọng nhất. Hãy xem việc quan tâm, chia sẻ và yêu thương mọi người là một cách để bản thân trở nên hạnh phúc hơn.

Kim Liên

  Chuyên san Vì trẻ em số 8