Cha mẹ nào cũng mong con trưởng thành, thành công, biết yêu và được yêu. Hơn hết là các bậc cha mẹ đều mong muốn con được hạnh phúc.
Những năm đầu đời là thời điểm thích hợp nhất để truyền năng lượng tích cực, kích thích cảm xúc và là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương.
Lớn lên trong yêu thương sẽ giúp trẻ phát triển tình yêu thương của bản thân với mọi người, mọi vật và dễ dàng vượt qua những khó khăn, thử thách.

Nuôi dạy con hạnh phúc không phải chỉ là mang đến cho con những niềm vui hay sự thỏa mãn nhất thời mà đó là truyền dạy cho trẻ những kỹ năng sống lạc quan, tích cực. Vậy đâu là những bí quyết để tập cho con trẻ sống vui mỗi ngày?
Dạy con biết yêu thương, hình thành cảm xúc tích cực
Biết yêu thương là một biểu hiện cảm xúc mà ai cũng cần có. Tính cách của con trẻ ngoài yếu tố môi trường, bẩm sinh, còn lại là do cha mẹ rèn luyện, định hướng. Nếu cha mẹ khó tính, lạnh lùng, không thể hiện cảm xúc yêu - ghét… thì con cũng có thể trở thành một đứa trẻ thiếu cảm xúc, không biết thể hiện tình yêu thương.
Điều này không chỉ khiến trẻ khó hòa nhập cộng đồng mà còn ảnh hưởng tới quá trình học tập, làm việc sau này. Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đừng ngại nói lời yêu thương với con, hãy dạy con cách biểu hiện tình yêu thương bằng những cái ôm, nụ hôn, lời cảm ơn; thường xuyên khuyến khích, động viên, khen ngợi và khen thưởng khi con làm tốt…
Tất cả những điều này sẽ giúp hình thành cảm xúc tích cực trong trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy trẻ cách giữ bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc khi tức giận.
Dạy con cách tạo mối quan hệ
Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ thực hiện những hành động nhỏ để phát triển sự đồng cảm. Điều này không chỉ phát triển kỹ năng mà còn khuyến khích trẻ mở rộng các mối quan hệ. Trẻ sẽ hạnh phúc hơn nếu tạo dựng được mối quan hệ với những người bạn có năng lượng tích cực.
Kết nối và chia sẻ
Dành nhiều thời gian cho trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể kết nối và chia sẻ với con. Cha mẹ có thể dành thời gian cùng con học tập, vui chơi, thậm chí là cho trẻ đi du lịch để hiểu hơn về cuộc sống xung quanh. Khi được thấu hiểu, quan tâm, trẻ sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Thực hành thói quen tỏ lòng biết ơn
Bạn nên dạy con trẻ biết ơn về những điều tốt đẹp hoặc biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Hãy cho con thấy tầm quan trọng và lợi ích của lời cảm ơn. Bởi vì, phát triển lòng biết ơn là yếu tố hàng đầu để nuôi dạy con thành đứa trẻ hạnh phúc.
Cách để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ là yêu cầu mỗi thành viên trong gia đình dành thời gian hàng ngày - trước hoặc trong bữa ăn - để gọi tên một điều gì đó mà mình biết ơn. Điều quan trọng là biến nó trở thành một thói quen hàng ngày. Đây là một thói quen giúp thúc đẩy cảm xúc tích cực và có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài.
Giao cho trẻ những trách nhiệm thực sự
Hạnh phúc phụ thuộc một phần lớn vào việc chúng ta làm và được người khác đánh giá cao. Con người có nhu cầu bẩm sinh là phải được người khác cần đến mình.
Vì vậy, ngay từ những năm đầu đời, nếu bạn càng cho trẻ thấy con đóng góp đặc biệt thế nào đến gia đình, thì trẻ càng có ý thức về giá trị của bản thân và hạnh phúc của mình.
Nếu có thể, hãy phân cho trẻ những việc là thế mạnh của con. Ví dụ, con bạn thích sắp xếp đồ vật, hãy giao cho bé việc sắp bàn ăn. Nếu con thích chăm sóc thì có thể giao cho việc chơi với em trong lúc bạn chuẩn bị bữa tối…
Như vậy, việc bạn thừa nhận và đánh giá đóng góp của con đối với gia đình sẽ nâng cao ý thức của trẻ về sự gắn kết và tự tin - hai điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc lâu dài của trẻ.
Cho phép thành công và thất bại
Để củng cố lòng tự trọng của con, cha mẹ đừng tập trung quá nhiều vào những lời khen ngợi mà hãy cho trẻ nhiều cơ hội hơn để học những kỹ năng mới. Tự làm chủ là cách để xây dựng lòng tự trọng thực sự. Sai lầm lớn nhất mà cha mẹ hay mắc phải đó là làm quá nhiều cho con.
Nhưng trẻ sẽ không bao giờ biết cảm giác hồi hộp chiến thắng nếu không trải qua thất bại. Vì vậy, cha mẹ hãy đứng ngoài quan sát trẻ vật lộn với khó khăn để có thể tự làm những gì chúng có thể. Một số kỹ năng có thể có được trong lần thử đầu tiên nhưng cũng có nhiều kỹ năng trẻ cần phải rèn luyện mới có thể thuần thục.
Và thông qua các trải nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ hình thành thái độ “mình có thể làm được” - giúp trẻ tiếp cận các thử thách tương lai với niềm say mê và lạc quan - đây chính là trung tâm của một cuộc sống hạnh phúc.
Khen ngợi con đúng cách
Ăn mừng, khen ngợi tất cả thành tích của con dù lớn hay nhỏ, chắc chắn sẽ giúp con cảm thấy hạnh phúc. Khen ngợi giúp trẻ phấn khích và nâng cao sự tự tin. Tuy nhiên, bạn không nên quá chú trọng vào thành tích để tránh tạo áp lực cho con. Hãy khen sự nỗ lực hơn là khen kết quả.
Khen ngợi sự sáng tạo, chăm chỉ làm việc, sự kiên trì, quá trình hơn là thành tựu đạt được. Với mục tiêu nuôi dạy trẻ “có tư duy”, gieo niềm tin rằng con người thành công là nhờ làm việc chăm chỉ hơn là tài năng bẩm sinh.
Nuôi dưỡng hạnh phúc của cha mẹ
Bạn không thể kiểm soát hạnh phúc của trẻ mà thay vào đó hãy có trách nhiệm với hạnh phúc của chính mình. Bởi vì trẻ hấp thụ tất cả mọi thứ từ cha mẹ nên cảm xúc của chúng ta có tác động rất lớn.
Cha mẹ hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Con của phụ huynh bi quan có xu hướng trầm cảm gấp 2 lần mức trung bình.
Do đó, điều tốt nhất bạn có thể làm đầu tiên vì sự phát triển tình cảm lành mạnh của con chính là quan tâm đến tình cảm của chính mình. Cha mẹ hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và hãy sống lãng mạn; nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt của mình với người bạn đời.
Việt Cường