Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Vì trẻ em

Trẻ em yêu sớm và những hệ lụy

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Yêu sớm ở trẻ em không còn là hiện tượng hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Trẻ cần được hướng dẫn và giáo dục đúng cách để tránh những hệ lụy không mong muốn.

Vai trò của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng trong việc định hướng và cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ phát triển một cách lành mạnh và an toàn.

Hệ lụy khi trẻ yêu sớm

Xã hội ngày càng phát triển, việc trẻ dậy thì sớm, có cảm xúc với bạn khác giới hoặc yêu sớm không còn là điều lạ. Nếu trẻ không được giáo dục và định hướng đúng cách, yêu sớm có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới học tập, cuộc sống và tương lai của các em.

Trẻ em yêu sớm và những hệ lụy - 1

Ảnh hưởng đến học tập: Một trong những hệ lụy dễ nhận thấy nhất của việc yêu sớm là sự giảm sút trong kết quả học tập. Khi bắt đầu có tình cảm với một bạn khác giới, nhiều em có xu hướng chểnh mảng việc học.

Thay vì tập trung vào sách vở, trẻ thường dành nhiều thời gian để nghĩ về người mà mình yêu. Không ít em thậm chí còn trốn học, bỏ qua các hoạt động ngoại khóa hoặc các cuộc thi quan trọng chỉ để có thời gian bên người yêu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động đến sự phát triển về lâu dài của các em.

Ảnh hưởng tâm lý: Khi trẻ yêu sớm, tình cảm dễ biến thành áp lực. Nếu mối tình không đi đến kết quả tốt đẹp, trẻ dễ rơi vào trạng thái thất vọng, buồn bã. Những thất bại trong tình cảm thời tuổi trẻ, nếu không được giải quyết đúng cách, có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý nghiêm trọng, bao gồm cả trầm cảm và lo âu.

Những câu chuyện về các em học sinh yêu nhau, nhưng khi bị gia đình cấm cản hoặc chia tay trong đau khổ, có em đã tìm đến hành động tiêu cực như bỏ nhà ra đi, thậm chí có trường hợp tự tử. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính các em mà còn khiến gia đình rơi vào khủng hoảng tinh thần.

Mang thai ngoài ý muốn: Một trong những nguy cơ lớn nhất của việc yêu sớm là trẻ em có thể quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành. Khi tình yêu phát triển quá nhanh mà các em chưa được trang bị kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, các em có thể dễ dàng rơi vào tình huống mang thai ngoài ý muốn.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em gái mà còn đặt ra những gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội. Nhiều em bỏ học, mất cơ hội phát triển và dễ mắc vào những vòng xoáy tiêu cực. 

Ngoài ra, do thiếu kiến thức, các em cũng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe lâu dài.

Cha mẹ đừng đẩy con vào tuyệt vọng 

Thực tế cho thấy, những mối tình tuổi học trò thường không đi đến đích, thậm chí không ít trường hợp để lại bài học đau thương. Nhiều câu chuyện chấn động dư luận từ hệ lụy trẻ yêu sớm xảy ra thời gian qua đã khiến các bậc cha mẹ càng thêm hoang mang khi phát hiện con có tình cảm đặc biệt với bạn khác giới.

Chị Mai Hoa (ở Hà Nội), một phụ huynh có con học lớp 8, vô cùng bất ngờ khi vô tình đọc được lá thư con gái viết cho người yêu. "Tôi sốc khi đọc những dòng tâm sự yêu đương của con. Không ngờ ở tuổi này mà con đã trải qua cảm xúc yêu như người lớn", chị Hoa chia sẻ. 

Sau khi phát hiện sự việc, chị Hoa rất tức giận, quát mắng và cấm con gặp bạn trai.  Chị cho rằng, con cần tập trung vào việc học chứ không phải yêu đương nhăng nhít. Tuy nhiên, hành động này dẫn đến sự chống đối từ con gái, thậm chí cô bé còn tỏ thái độ “chiến tranh lạnh” với mẹ nhiều ngày.

Theo giáo viên Nguyễn Thị Trúc thuộc Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara, phụ huynh không nên phản ứng gay gắt khi con yêu sớm.

Trẻ em yêu sớm và những hệ lụy - 2
Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên. Ảnh: Trường Hai Bà Trưng, Hải Phòng.

“Khi con yêu sớm, bố mẹ nên tôn trọng cảm xúc của con. Ở độ tuổi dậy thì, các em rất nhạy cảm và cần sự chia sẻ, đồng hành của bố mẹ. Nhưng trên thực tế, không ít phụ huynh đã quên mất việc cần phải làm bạn với con, dẫn đến khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng lớn.

Vì vậy, khi thấy con có những rung cảm với bạn khác giới, thay vì quát mắng, bố mẹ hãy bình tĩnh, tìm cách nói chuyện để hiểu hơn về con và bạn của con. Đặc biệt, bố mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư của con; không tự ý xem nhật ký, thư từ… khi con chưa đồng ý.

 Khi đã làm bạn với con, bố mẹ sẽ dễ dàng đưa ra lời khuyên, hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ bản thân và chọn bạn tốt. Bên cạnh đó, phụ huynh nên quan tâm, theo dõi sự thay đổi của con để kịp thời có những phương án giải quyết khi cần”, cô giáo Nguyễn Thị Trúc cho biết.

Quan tâm giáo dục giới tính trong trường học

Giáo dục giới tính đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu biết về bản thân, phát triển nhận thức đúng đắn về giới, rèn luyện kỹ năng sống và bảo vệ chính mình. Thời gian qua, nhiều trường đã triển khai chương trình giáo dục giới tính, bao gồm các nội dung về sức khỏe sinh sản, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Tại tỉnh Bắc Giang, các trường đã tích cực truyền thông và giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh qua các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm như "Hành trang tuổi hồng", "Hành trình yêu thương."

Trường Tiểu học Trần Phú (TP Bắc Giang) được đánh giá là một trong những trường triển khai và làm tốt giáo dục giới tính cho học sinh. Nhà trường đã lồng ghép giáo dục giới tính vào các hoạt động xây dựng nền nếp và kỹ năng cho học sinh.

Thầy cô sưu tầm video, xây dựng tình huống thực tế để học sinh dễ hiểu và tạo điều kiện để các em thảo luận về các vấn đề liên quan đến thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: “Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, tôi luôn chủ động trò chuyện, tâm sự, tạo dựng sự tin tưởng giữa cô và trò để các em chia sẻ tâm tư. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi trao đổi, hướng dẫn các em về kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa bạn trai và bạn gái.

Ở giai đoạn dậy thì, trẻ có nhiều biến đổi về tâm, sinh lý nên việc trang bị kiến thức cần thiết sẽ giúp học sinh tránh khỏi bỡ ngỡ, lo lắng trước những thay đổi của cơ thể và nhận biết được các hành vi quấy rối, xâm hại”. 

Bên cạnh những trường học triển khai giáo dục giới tính hiệu quả, vẫn còn nhiều trường tuy đã triển khai nhưng ở mức độ và chất lượng chưa đồng đều.

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Chương trình giáo dục giới tính ở các nhà trường cần chủ động và sát thực tiễn hơn nữa. Gia đình và nhà trường phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, kiểm soát con em tiếp cận mạng xã hội theo hướng lành mạnh, tích cực, tránh cho các em gặp phải hậu quả đáng tiếc”.

Việt Cường

Ấn phẩm Vì trẻ em số 19

Tin liên quan
Giúp con vững bước vào đời

Giúp con vững bước vào đời

(VTE) - Làm cha mẹ là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng thật hạnh phúc. Xã hội hiện đại không ngừng vận động và thay đổi, cha mẹ đóng vai trò...