Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Trẻ nghiện mạng xã hội có nguy cơ rối nhiễu tâm trí

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Theo các chuyên gia, việc lạm dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung sẽ khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ và trí nhớ giảm sút; thể chất của trẻ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề và rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ, khiến tâm trạng trở nên bất ổn, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi.

Mạng xã hội và những hệ lụy khó lường đối với trẻ em

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và Internet hiện nay, mạng xã hội đang ngày càng phổ biến với hàng loạt nền tảng như: Facebook, Tiktok, WeChat, Instagram, Zalo… thu hút hàng trăm triệu người sử dụng.

Đặc biệt đối với trẻ em, biết nắm bắt xu hướng và linh hoạt với những tiến bộ của công nghệ thì việc sử dụng và đam mê mạng xã hội là không thể tránh khỏi.

Anh tre nghien mang xa hoi.jpg
Trẻ em nghiện mạng xã hội có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa).

Với khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi, với tất cả mọi người, mạng xã hội trở thành kênh giao lưu, trao đổi thông tin hữu hiệu, không chỉ giúp chúng ta cập nhật tin tức hàng ngày mà còn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp, kết bạn, trò chuyện, học hỏi một cách hiệu quả; kết nối những con người có cùng sở thích và đam mê, vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian.

Mạng xã hội cũng là nguồn cảm hứng để chia sẻ, là môi trường nhanh nhạy để cập nhật những xu hướng, kinh nghiệm hay trong học tập, là kênh giải trí tiện lợi của người dùng với nhiều tiện ích tích hợp như âm nhạc, phim ảnh, trò chơi…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có tác động tiêu cực nếu người dùng sử dụng không đúng cách hoặc không chủ động kiểm soát được thông tin.

Mạng xã hội trở thành chất gây nghiện lớn, đặc biệt đối với trẻ em - nhóm dễ bị tổn thương, có nhiều nguy cơ bị cuốn vào những thông tin tiêu cực, rắc rối, thậm chí để lại hậu quả khôn lường. Nhiều trẻ coi mạng xã hội như nguồn sống, dành quá nhiều thời gian chỉ để lướt web như một thói quen.

Thậm chí, nhiều em không tập trung học bài mà chỉ lướt và biên tút, đăng ảnh trên Facebook,  Tiktok. Nhiều trẻ thậm chí sử dụng mạng xã hội để thể hiện cảm xúc tiêu cực, gây chia rẽ, lan truyền thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người khác.

Báo cáo tổng quan “Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” do mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) và Văn phòng Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy: 89% trẻ em Việt Nam từ 12 - 17 tuổi sử dụng internet, con số này ở lứa tuổi 12 - 13 là 82% và tăng lên 93% ở tuổi 16 - 17%; 97% ở tuổi 16 - 17.

Một khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra kết quả, thời gian trẻ sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam trung bình 5-7 tiếng/ngày. Việc sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài, thậm chí nghiện lướt mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy, trước hết là ảnh hưởng đến thời gian học tập, khả năng phát triển thể chất, khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng tới não bộ, trí nhớ giảm sút.

Chưa kể các nội dung xấu, độc bủa vây trên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, khiến tâm trạng trẻ trở nên bất ổn; thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn hành vi. Theo đó, những  trẻ nghiện mạng xã hội có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn 2 lần so với những trẻ sử dụng ít hơn.

Trong số trẻ em từ 10 tuổi hoạt động trên internet, các tài khoản mạng xã hội có thể có ảnh hưởng tiêu cực sau tuổi dậy thì và cả ở tuổi trưởng thành.

Giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em

Có thể thấy, việc sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay là rất phổ biến và không thể ngăn cấm. Điều quan trọng nhất đối với cha mẹ là làm thế nào để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng tới sự phát triển của trẻ. 

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Hương, để trẻ giảm sự phụ thuộc vào mạng xã hội, cha mẹ cần trao đổi thẳng thắn với trẻ về kế hoạch, thời gian, lịch trình hợp lý về thói quen sử dụng mạng xã hội, cân bằng việc lên mạng với các hoạt động khác như: Vận động, học tập, nghỉ ngơi, trò chuyện cùng mọi người… để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Hơn hết, cha mẹ cần đồng hành, hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, văn minh, an toàn và có trách nhiệm. Cần giải thích cho con hiểu, mạng xã hội chỉ là không gian ảo nhưng hậu quả nó mang đến có thể là thật. Vậy nên, việc đăng tải hay bình luận tiêu cực, không đúng dễ gây ảnh hưởng tới con và người khác.

Khi đăng tải thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại, mật khẩu… trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Đặc biệt, những thông tin này dễ bị người xấu lợi dụng để lừa đảo, đe dọa tinh thần, sức khỏe, tiền bạc và tính mạng của con.

Cha mẹ cần khuyến khích trẻ không nên chia sẻ những thông tin, hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội để tránh phiền toái cho mình. Cần dạy con ứng xử một cách văn minh, lịch sự như ngoài đời sống; không nên dùng những ngôn từ xúc phạm, tục tĩu, lăng mạ hay gây ảnh hưởng tiêu cực tới người khác; đồng thời khuyến khích trẻ thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội theo hướng tích cực, xây dựng và cùng nhau phát triển.

Đặc biệt, cần hướng dẫn con kỹ năng ứng phó khi có người lạ tiếp cận trên mạng xã hội, nhất là cách ứng phó khi có người lạ kết bạn, tiếp cận trên mạng xã hội của con.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể sử dụng công cụ, giải pháp công nghệ để quản lý việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội mà con đang dùng, thiết lập các khu vực không sử dụng công nghệ tại nhà. Từ đó, có thể xem được báo cáo chi tiết về thời gian sử dụng ứng dụng, có cơ sở để nhắc nhở và điều chỉnh việc sử dụng của con.  

Về phía các nhà hoạch định chính sách, cần tăng cường tiêu chuẩn an toàn trên mạng xã hội; công ty công nghệ cần đánh giá toàn diện tác động của mạng xã hội đối với trẻ em và chia sẻ dữ liệu này với cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu để có giải pháp công nghệ ứng phó phù hợp.

An Nhiên

Báo Lao động Xã hội số 61