Thách thức kép
Ngày 17/10, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã công bố bộ hướng dẫn đầu tiên nhằm chuẩn hóa việc chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì. Bộ hướng dẫn được công bố trong bối cảnh Trung Quốc ghi nhận xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm dân số thừa cân và béo phì.
NHC ước tính đến năm 2030, tỷ lệ người thừa cân hoặc béo phì ở Trung Quốc có thể chiếm tới 65,3% dân số.
"Béo phì dần trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở Trung Quốc, đứng thứ 6 trong danh sách yếu tố có thể gây tử vong và tàn tật hàng đầu của quốc gia”, bộ hướng dẫn cho biết.

Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức kép khiến vấn đề cân nặng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một mặt, nền kinh tế hiện đại hóa với sự phát triển của công nghệ khiến nhiều công việc không yêu cầu vận động hoặc chỉ cần ngồi tại bàn làm việc. Mặt khác, sự suy giảm kéo dài của nền kinh tế buộc người dân phải áp dụng chế độ ăn uống rẻ tiền và không lành mạnh.
Theo các bác sĩ và nhà nghiên cứu, căng thẳng công việc, thời gian làm việc kéo dài và chế độ ăn uống kém lành mạnh đang trở thành các yếu tố dẫn đến nguy cơ cao về cân nặng ở các thành phố. Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, việc làm nông ngày càng ít đòi hỏi sức lao động cùng dịch vụ y tế không đảm bảo dẫn đến việc sàng lọc và điều trị các vấn đề về cân nặng kém hơn.
Bộ hướng dẫn mới đã cung cấp các chỉ dẫn và quy định bao gồm dinh dưỡng lâm sàng, điều trị phẫu thuật, can thiệp hành vi và tâm lý, đồng thời can thiệp thể chất cho những người mắc bệnh béo phì.
Từ tháng 7, NHC và 15 sở, ban, ngành của Chính phủ đã phát động các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh béo phì. Chiến dịch kéo dài trong 3 năm được xây dựng xung quanh khẩu hiệu: "Cam kết suốt đời, theo dõi tích cực, chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất, giấc ngủ tốt, mục tiêu hợp lý và hành động từ gia đình".
Các hướng dẫn về sức khỏe đã được gửi đến trường tiểu học và trung học vào tháng 7, khuyến khích việc sàng lọc định kỳ, tập thể dục hàng ngày, thuê chuyên gia dinh dưỡng và thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh, bao gồm giảm muối, dầu ăn và đường.
Giải quyết tình trạng béo phì ở trẻ em
Tại Trung Quốc, cứ 5 trẻ trong độ tuổi 6 - 17 sẽ có một trẻ bị thừa cân, béo phì. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Shen Hongbing cho biết, hơn 10% trẻ em dưới 6 tuổi tại nước này bị thừa cân, béo phì.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo hiện tượng thừa cân, béo phì ở trẻ em sẽ gây nên những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe toàn dân và sự phát triển của nền kinh tế.
Chẳng hạn, người thừa cân, béo phì không có nền tảng thể chất tốt sẽ bị ảnh hưởng về khả năng lao động và chất lượng cuộc sống. Vấn nạn thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc cũng có thể gây ra thiệt hại kinh tế nếu nhà chức trách không kịp thời can thiệp.
Trước tình trạng trên, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố, kể từ năm học tới, các trường học cần hỗ trợ học sinh thay đổi thói quen ăn uống và vận động để cải thiện nền tảng sức khỏe.
Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các địa phương và Tổng cục Thể thao đưa ra những định hướng chi tiết, áp dụng trên toàn quốc, nhằm kiểm soát vấn đề cân nặng của học sinh các cấp.
Các nhà chức trách cho rằng tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em nước này rất đáng báo động và là vấn đề đáng quan ngại trong cộng đồng. Vì vậy, các cơ quan cần phối hợp để có những biện pháp can thiệp khẩn trương, nhằm giải quyết vấn đề.
Trước mắt, Trung Quốc yêu cầu các trường học cần có ít nhất một tiết giáo dục thể chất trong mỗi ngày học, đảm bảo học sinh có thời gian vận động giữa các tiết học. Các nhà chức trách kêu gọi toàn dân cần có nhận thức về thói quen ăn uống lành mạnh. Trường học được khuyến khích mời các chuyên gia dinh dưỡng tới hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục học sinh về thói quen ăn uống.
Để theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của học sinh, các trường học được yêu cầu thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ, lưu trữ thông tin chi tiết và có những chia sẻ kịp thời tới cha mẹ học sinh.
Thành Đạt (theo Reuters, SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 129