Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái lại nóng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn.

Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả.

Lợi nhuận lớn, hàng giả xuất hiện khắp nơi

Ngày 21/10, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) đồng loạt tiến hành kiểm tra 3 địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Namperfume. 

Cụ thể, tại số 45-47 Cách Mạng Tháng 8, phường Bến Thành, quận 1; số 420/6 Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3 và số 44 Hoa Mai, phường 2, quận Phú Nhuận… là hệ thống cửa hàng nước hoa nổi tiếng tại khu vực phía Nam.

Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái lại nóng - 1
Đội Quản lý thị trường số 18 TPHCM thu giữ  hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện và tạm giữ hơn 300 chai nước hoa ngoại nhập, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Lacoste, Burberry, Montblanc, Chloe, Hermes... trị giá hàng hoá vi phạm gần 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 10, lực lượng quản lý thị trường TPHCM kiểm tra một hộ kinh doanh tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và phát hiện 82 vỏ loa thùng bằng gỗ đã sơn nhưng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc, được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng.

Cũng tại địa bàn này, lực lượng chức năng phát hiện hơn 70 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả thương hiệu Louis Vuitton đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam và rao bán trên mạng xã hội. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, 9 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Saigon Square, tạm giữ 986 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng và xử phạt hơn 223,5 triệu đồng.

Các sản phẩm vi phạm chủ yếu là quần áo, túi xách, ví... không có hóa đơn và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngoài ra, đơn vị cũng kiểm tra, xử lý 937 vụ vi phạm về hàng giả, tạm giữ số lượng tang vật hơn 111.000 đơn vị sản phẩm, gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, hàng tiêu dùng với tổng trị giá hơn 10,1 tỷ đồng và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp số tiền hơn 11,1 tỷ đồng.

Còn tại Hà Nội, hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc, nghi hàng giả, đã bị Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện và tạm giữ sau cuộc kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trong một diễn biến khác, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng vừa tạm giữ hàng chục chiếc xe điện ba và bốn bánh mang nhiều nhãn hiệu như Goda Pro, Me leisure, Fishion, Dilly... tại một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Đây chỉ là những vụ việc trong số nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái và hàng hóa không rõ nguồn gốc được phát hiện gần đây.

Thống kê cho thấy, 10 tháng năm nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 55.000 vụ, xử lý hơn 38.000 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến 712 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Do lợi nhuận lớn, hàng giả không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng truyền thống mà còn tràn ngập trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp tết

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ký Văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế;

Các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán trực tuyến hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.

Chủ động phương án bố trí lực lượng, thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa;

Trong đó tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh;

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát theo lĩnh vực, địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán;

Trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 146