Để thương mại điện tử phát triển bền vững, tạo động lực phát triển mới cho kinh tế số cần có cơ chế, chính sách khơi thông các điểm nghẽn.
Tại tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8, PGS,TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Hiện Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau dịch Covid-19. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, theo ông Tuấn, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.

Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành cũng nhìn nhận, thương mại điện tử đã được đề cập từ lâu nhưng kinh tế số của Việt Nam cũng chỉ mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay.
"Ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam, dân số trẻ tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập; đồng thời, thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố", ông Thành chỉ rõ.
Theo ông Võ Trí Thành, trong quá trình phát triển, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần bị thu hẹp. Đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.
"Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng cũng như khuyến khích sáng tạo, mô hình kinh doanh mới... Từ đó làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng", ông Thành nói.
Nhận định tiềm năng, dư địa phát triển thương mại điện tử còn rộng lớn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với doanh nghiệp lớn.
Thời gian qua, theo bà Lại Việt Anh, với sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương giúp nâng cao nhận thức, năng lực ứng dụng, chuỗi liên kết để thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực, trung tâm kinh tế lớn với vùng sâu, vùng xa. Tới đây, để tạo đột phá cho thương mại điện tử, một trong những vấn đề quan trọng là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong thương mại điện tử với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics.
Đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới. Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được địa phương nào có những ưu thế về hàng hoá, logictics.
"Hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội trên toàn thế giới. Để hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu, cần cân nhắc đến yếu tố phát triển bền vững.
Chính vì vậy, thương mại điện tử nên ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho những yêu cầu về truy xuất hàng hóa; áp dụng số hóa vào chuỗi quy trình sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó có thể đảm bảo những quy định về bảo vệ môi trường, chống rác thải...
Đó là những yếu tố mà thương mại điện tử phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chúng ta có thể hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, các nền tảng thương mại điện tử, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật", bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Huyền Minh
Báo Lao động và Xã hội số 98