Hải Dương đang là vùng dịch lớn, với hàng trăm ca bệnh và hầu như ngày nào cũng có thêm những ca bệnh mới, chứng tỏ các mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Giữa lúc đó, một số đối tượng từ tỉnh Hải Dương đã tìm cách di chuyển về các địa phương khác, và điều nguy hiểm là những đối tượng này lại có hành vi gian dối trong khai báo y tế nhằm trốn tránh việc phải cách ly, kiểm tra y tế theo quy định.
Chính quyền TP.Hải Phòng vừa yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt nghiêm đối với bà Hoàng Thị Th. (55 tuổi, giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn), trước đó đã về vùng dịch Hải Dương ăn tết, nhưng khi trở lại Hải Phòng đã thực hiện khai báo y tế không trung thực, khai "chỉ ở Hà Nội". Ngoài yêu cầu xử lý hành chính mức cao nhất, ngành giáo dục Hải Phòng đã xử lý kỷ luật bà Th. cũng với mức cao nhất theo quy định. Trong trường hợp bà Th. dương tính với Covid-19, yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để điều tra xử lý hình sự.
Trước đó, Công an huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã tham mưu UBND huyện Lục Ngạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp F1 tên Toàn và Tuấn, là tài xế đến từ vùng dịch Hải Dương, ở mức phạt cao nhất 20 triệu đồng/người, vì không thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định. 2 người này sau khi tiếp xúc F0 đã lái xe tải từ Hải Dương đi Quảng Bình giao hàng, rồi về nhà ở Bắc Giang. Trở về từ Hải Dương, Toàn và Tuấn không những không khai báo y tế mà còn "tung tăng" đi chơi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người trong dịp Tết Tân Sửu.
Cơ quan chức năng đã xác định được 186 F2 tiếp xúc gần với Toàn và Tuấn nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nếu bị nhiễm bệnh Covid-19 thì dịch bệnh có thể sẽ lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát, hậu quả sẽ rất khó lường. Bên cạnh đó, hành vi không khai báo y tế của 2 F1 trên đã buộc chính quyền các cấp phải huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, lập chốt kiểm soát… gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. Đồng thời sự việc này còn gây hoang mang trong nhân dân, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn huyện.
Đó chỉ là những ví dụ mang tính điển hình, còn trên thực tế có không ít trường hợp khác cũng từ vùng dịch di chuyển đến nhiều địa phương khác nhưng đã cố tình gian dối trong khai báo y tế, khiến nguy cơ dịch lây lan trở nên hiện hữu hơn. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo khuyến khích nhân dân tố giác công dân từ Hải Dương về Hải Phòng hoặc ngược lại từ ngày 16/2 đến nay đang cư trú trên địa bàn không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không đúng sự thật. Đó là việc làm cần thiết, các địa phương khác cũng cần áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh.
Không kỳ thị "người Hải Dương", nhưng cần có thái độ và cách hành xử đúng đắn, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, đó là ưu tiên hàng đầu mà các địa phương cần quán triệt.
Trong một diễn biến khác, Việt Nam đã nhập 204.000 liều vaccine Covid-19 đầu tiên, và theo Luật Truyền nhiễm của Việt Nam và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế. Việc Việt Nam đã có vaccine chắc chắn sẽ mở ra nhiều hy vọng về một viễn cảnh chúng ta sẽ thoát khỏi mối đe dọa thường trực do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, không thể vì thế mà có thể lơ là, thiếu cảnh giác. Đối với những đối tượng gian dối trong khai báo y tế, dẫn tới nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, cần thiết phải xử phạt thật nghiêm để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.