Theo đó, 200 đồng bào thuộc các dân tộc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tuần "Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" gồm: Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên; dân tộc Dao TP Hà Nội; dân tộc Thái tỉnh Sơn La; dân tộc Mông tỉnh Hà Giang; dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; dân tộc Khơ Mú tỉnh Nghệ An; dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên Huế; dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum; dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; dân tộc RagLai tỉnh Ninh Thuận; dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An.
BTC cho biết, đêm hội Khai mạc Tuần "Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019 là hoạt động điểm nhấn, kết hợp Khai mạc sự kiện sẽ diễn ra tối 18/11. Đêm hội sẽ là dịp để cộng đồng các dân tộc Việt Nam sum vầy, giao lưu, giới thiệu những vẻ đẹp độc đáo, đặc trưng của văn hóa quý báu cần gìn giữ, bảo tồn tại và phát huy. Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của việc tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" và Tuần "Di sản Văn hóa Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ có Chương trình Hành trình về với xứ dừa Bến Tre giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của Bến Tre; diễn xướng Hát sắc bùa Phù Lễ và dân ca Bến Tre; trưng bày, giới thiệu "Đồng Khởi năm 1960 và công cuộc Đồng Khởi mới qua 23 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre"; giới thiệu văn hóa, danh lam thắng cảnh và du lịch gắn với xứ dừa Bến Tre.
Đặc biệt, trong Tuần Đại đoàn kết, đồng bào sẽ tái hiện các nét sinh hoạt cộng đồng, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán…tại chính không gian ngôi làng của dân tộc mình được xây dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như tái hiện nghi lễ Lẩu then của dân tộc Tày, Nùng (Lạng Sơn); giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Gia Lai; tổ chức cho du khách và đại biểu trải nghiệm trang phục, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực của các dân tộc Việt Nam và các hoạt động dân ca dân vũ theo vùng miền, dân tộc.