Thực hiện Quyết-định-899-QD-TTg-2017, Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, trong đó dự án "Phát triển thị trường lao động và việc làm", với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Trong đó, đối với công tác hỗ trợ việc làm cho thanh niên mục tiêu cụ thể là tư vấn việc làm và học nghề để 45% đến 50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu tìm việc làm và 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công. Hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp cho 10.000 thanh niên. Hỗ trợ tìm việc làm cho 25.000 lượt thanh niên…
Hàng năm Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức trên 60 phiên giao dịch việc làm cao điểm thứ 5 hàng tuần. Thu hút khoảng hơn 700 doanh nghiệp tham gia, tư vấn cho khoảng 30 - 35 nghìn lượt lao động và giới thiệu việc làm cho khoảng 7.476 lao động, trong đó số lao động có việc làm qua sàn là 5.322 người. Tiếp nhận và giải quyết hơn 10 nghìn hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; tham gia đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ... cho người lao động.
Trong năm 2019 Trung tâm giới thiệu việc làm đã tổ chức thành công 7 phiên giao dịch online phối hợp với các tỉnh phía Bắc, 01 ngày hội tuyển dụng cho sinh viên mới tốt nghiệp, phối hợp với Trường cao đẳng nghề Cơ điện Bắc Ninh. Đặc biệt đã tổ chức thành công 01 phiên "Hội chợ việc làm dành cho người lao động tham gia chương trình EPS và người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước" và phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức hội chợ việc làm khu vực.
Ông Đinh Văn Duyệt – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, tỉ lệ thanh niên nông thôn đến các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm là rất lớn. Để xây dựng nguồn lực thanh niên có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động hiện nay. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm, luôn chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Đến nay Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Ninh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm với tần suất ngày càng tăng (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 15-20 doanh nghiệp, 200-250 lao động tham gia (trong đó 80-90% là thanh niên)".
Trong giai đoạn 2018-2019, Trung tâm đã tổ chức được 13 phiên giao dịch việc làm dành riêng cho thanh niên tại các huyện và các cơ sở dạy nghề bằng các hình thức như: Phối hợp với huyện đoàn tổ chức các buổi tư vấn cho thanh niên tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp ngay sau khi các em chuẩn bị tốt nghiệp ra trường;Trung tâm chủ động liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp nhận học sinh sinh viên đi thực tập trải nghiệm, cùng với các trường nghề đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức cho sinh viên đi thực tập thực tế tại các tập đoàn lớn như: Foxconn, Canon…
Để đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên trong thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh đã đưa ra những giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại các địa phương;
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm. hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động bằng nhiều hình thức phù hợp và thiết thực; Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm dịch vụ Việc làm với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Doanh nghiệp về tình hình việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, giúp người lao động và người học có cơ sở định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành học và công việc, hạn chế tình trạng thất nghiệp sau đào tạo;
Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như quan tâm đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực, đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, sắp xếp tổ chức, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của mỗi công chức, viên chức, người lao động theo mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống Trung tâm Dịch vụ Việc làm toàn quốc.