Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Bảo hiểm xã hội

Nhiều người già sống chật vật với lương hưu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Những người về hưu, nghỉ mất sức trước năm 1995 có mức lương thấp hơn mặt bằng chung. Họ đều đã lớn tuổi, đa số mang nhiều bệnh tật, phải dành phần lớn lương hưu - vốn đã thấp để mua thuốc, chi phí chữa bệnh… nên cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn.

Kỳ 1: Mong lương hưu tiệm cận mức sống tối thiểu

Từ ngày 1/7 sẽ tăng lương hưu 15%. Đây là tin vui với người về hưu, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1995 đang có mức lương thấp hơn bình quân chung.

Người về hưu kỳ vọng mức tăng lương mới tiệm cận với mức sống tối thiểu, giúp họ trang trải nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Phần lớn lương hưu để… chữa bệnh, mua thuốc 

Bà Hà Thị Sáu.jpg
Bà Hà Thị Sáu trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng ở một con ngõ nhỏ tại phường Thanh Lương (Hà Nội).

Ngôi nhà cấp 4 nằm trong con ngõ nhỏ thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi 2 mẹ con bà Hà Thị Sáu (SN 1948) sinh sống mấy chục năm nay. Bà Sáu về hưu khi đang làm kế toán cho một công ty về lắp đặt máy lạnh theo diện mất sức lao động vào năm 1989.

Sau nhiều lần được Nhà nước điều chỉnh lương hưu, đến nay, bà Sáu được nhận lương hưu hàng tháng khoảng 4 triệu đồng. 

“Hai mẹ con sống phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương hưu của tôi. Con trai tôi bị bệnh tâm thần, thường xuyên phải đi viện. Trước đây còn sức khỏe, tôi đi phụ thêm bán hàng, việc vặt để có thêm tiền cho con nhập viện. Riêng tiền viện của cháu lên đến 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vài năm nay, sức khỏe giảm sút, tôi không thể làm thêm được nhiều nên khi nào có tiền thì cho cháu nhập viện, hết tiền lại về nhà”, bà Sáu cho biết.

Con trai bà Sáu là anh Trần Minh Thắng (SN 1980) bị bệnh tâm thần. Mỗi khi trái gió trở trời, anh Thắng lại lên cơn và đập phá đồ đạc. Đồ đạc trong nhà chẳng còn gì giá trị, chiếc tivi đang dùng cũng là đồ cũ được em gái cho.

“Tôi còn một con gái nữa đã lấy chồng nhưng cháu không hỗ trợ được nhiều. Con trai tôi được Nhà nước hỗ trợ 600 nghìn đồng/tháng. 

Thỉnh thoảng, tổ dân phố và phường cũng có quà, vật phẩm hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ đủ để 2 mẹ con ăn uống và chi phí sinh hoạt. May mà tôi có BHYT nên cũng đỡ phần nào nếu phải đi viện.

Càng nhiều tuổi, không thể làm thêm được nữa, tôi lo lắm!”, bà Sáu chia sẻ và cho biết thêm, trong tình hình giá cả tiêu dùng luôn biến động theo xu thế tăng cao như hiện nay, mức lương hưu hiện tại không đủ để trang trải chi tiêu nên bà mong muốn được tăng thêm để cuộc sống của bà và con trai đỡ phần vất vả, khó khăn.

Bà Hồng.jpg
Phần lớn lương hưu của bà Nguyễn Thị Hồng để dành mua thuốc, chữa bệnh.

Về hưởng chế độ từ năm 1992, đến nay sau nhiều lần điều chỉnh tăng lương, bà Nguyễn Thị Hồng (75 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận mức lương hơn 4,1 triệu đồng/tháng.

Dù được các con chu cấp thêm hàng tháng nhưng bà Hồng cho biết, mức lương này quá thấp, bà không thể sống được ở Hà Nội với mức chi tiêu đắt đỏ nên một năm trở lại đây, bà thường về quê ở Bắc Ninh sống.

Theo bà Hồng, dù rất tiết kiệm, nhưng do giá cả leo thang hàng ngày nên bản thân bà phải chi tiêu dè dặt, trong khi đó tuổi già ốm đau bệnh tật triền miên, bà phải dành phần lớn số tiền lương hưu để mua thuốc. “Ở tuổi của tôi, nhu cầu ăn uống không nhiều, nhưng mua thuốc và các khoản chi tiêu vặt thường ngày rất tốn.

Đó là chưa kể chuyện chi phí thăm hỏi họ hàng, cưới xin, giỗ chạp hay đi tàu xe về quê, nên những người chỉ trông chờ vào lương hưu như tôi thực sự rất khó khăn”, bà Hồng nói.

Mặc dù hưởng mức lương hưu 3 triệu đồng/tháng, đau ốm triền miên, hai mắt mờ hẳn nhưng bà Vũ Thị Khoát (80 tuổi, ở 86 Trần Phú, Mộ Lao, Hà Đông) may mắn hơn bà Hồng khi có chồng và các con hỗ trợ cũng như luôn túc trực chăm sóc.

Theo bà Khoát, bà làm việc tại Công ty thương nghiệp Chương Mỹ (Hà Nội), về hưu năm 1990, sau các lần điều chỉnh, đến tháng 7/2023 lương hưu của bà được tăng lên 3 triệu đồng/tháng. 

“Mức lương này nếu không có sự hỗ trợ của các con thì không thể đảm bảo cuộc sống hiện nay. Bởi chỉ riêng tiền thuốc men hàng tháng tôi đã tiêu gần hết tiền lương, nên nếu chỉ trông vào tiền lương hưu thì cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn…”, bà Khoát chia sẻ.

Tăng lương để giảm bớt gánh nặng tuổi già

Bà Xuân.jpg
Ngoài lương hưu, để đảm bảo cuộc sống, bà Hoàng Thị Xuân  (Cẩm Khê, Phú Thọ) phải trồng thêm vườn rau để có thu nhập.

Là nhân viên Xí nghiệp máy kéo huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), bà Hoàng Thị Xuân (78 tuổi, trú tại khu Tân Thành, huyện Cẩm Khê) vẫn sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Về hưu năm 1993, sau nhiều lần tăng lương, đến nay bà Xuân được lĩnh hơn 3,7 triệu đồng/tháng.

Với mức lương này, bà Xuân cho biết tuổi già bệnh tật nhiều, chồng mất sớm, các con đều lập gia đình ở xa, cuộc sống khó khăn nên không phụ giúp được bà, vì vậy tháng nào nhận lương hưu bà cũng phải chia ra phần mua thuốc, mua gạo, tiền điện, nước rồi giỗ chạp, hiếu hỉ. 

“Sống ở quê dù tôi hạn chế chi tiêu nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. Giá tiêu dùng luôn biến động tăng cao, cùng với việc hiếu, hỉ thường xuyên nên dù tuổi cao tôi vẫn phải trồng rau vừa để có rau ăn vừa thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Mấy tháng nay, lương chưa tăng giá cả đã tăng, mọi thứ đều đắt đỏ, tôi phải tiết kiệm, chắt bóp lắm mới đủ tiền sinh hoạt. Giờ có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, ăn uống rau dưa qua ngày. Tôi mong Nhà nước điều chỉnh mức tăng phù hợp để đảm bảo mức sống tối thiểu. Còn nếu tăng lương không bù nổi trượt giá thì cuộc sống của những người già như chúng tôi còn khó khăn hơn”, bà Xuân chia sẻ.

Những người cao tuổi về hưu trước năm 1995 như bà Xuân, bà Hồng, bà Sáu… đều hy vọng việc tăng lương hưu vào tháng 7 sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của tuổi già. Điều này cũng góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa những người đang hưởng lương hưu.

Phần lớn nhóm đối tượng này nghỉ hưu sớm trước tuổi, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Vì thế, họ mong mỏi mức lương hưu tiếp tục được quan tâm cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa những người đang hưởng lương hưu. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ thực tiễn thực hiện chính sách BHXH đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.

Tuy nhiên, đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995 cùng các quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm đó nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp.

Từ đó, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.

Quá trình thực hiện các chính sách cải cách tiền lương, cải cách BHXH từ trước đến nay, các cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh quan điểm “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Do đó, trong 3 nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1/7, Bộ LĐ-TB&XH đều kiến nghị tăng với mức hợp lý nhằm giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Trong đó, nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995 được hưởng chính sách đặc biệt để nâng mức hưởng lương hưu lên cao hơn, nhằm tiệm cận với mức tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt. 

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45%, cao nhất là 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, tương ứng với số năm đóng BHXH của người lao động.

Người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH có mức bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, một bộ phận người về hưu trước năm 1995, có mức lương hưu dưới 4,7 triệu đồng/người/tháng là thấp so với mức bình quân chung nên rất cần được quan tâm, xây dựng chính sách phù hợp.

 

Kỳ 2: Nhiều người về hưu trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu 2 lần

Huyền Minh 

Báo Lao động Xã hội số 78

Tin liên quan
Bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm

Bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm

(LĐXH) - Thời tiết miền Bắc bắt đầu rét đậm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, người lao động, nhất là những người có nguy cơ cao như người già,...