Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn

(Dân sinh) - “10 năm qua, nhiều địa phương đã dành sự quan tâm, trách nhiệm cao trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, dựa trên khung của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành những tiêu chí riêng, đặc thù phù hợp với điều kiện, văn hóa của vùng, miền, dân tộc” – đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Bích Thủy sau 10 năm thực hiện 2 tiêu chí văn hóa thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 – 2020.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới "có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân", Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" với quan điểm kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp từng vùng, miền, dân tộc và ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương trong triển khai thực hiện.

Dựa trên khung của Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã ban hành những tiêu chí riêng, đặc thù phù hợp với điều kiện, văn hóa của vùng, miền, dân tộc. Có những tiêu chí của địa phương còn cao hơn Bộ Tiêu chí quốc gia. Tiêu biểu như Quảng Ninh về tiêu chí số 06 yêu cầu ở các thiết chế văn hóa có cảnh quan đẹp, tường rào bằng cây xanh, có hoạt động văn hóa thể thao thu hút đông đảo người dân, có biện pháp giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đề ra tiêu chí xã nông thôn mới phải có CLB văn hóa văn nghệ hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân tham gia…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nông thôn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Bộ VH-TT&DL, xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Trong đó Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là nhiệm vụ cốt lõi, 5 nội dung, 7 phong trào cùng với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã bao trùm, tác động đến mọi lĩnh vực, thành phần xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương. Đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống…

Từ "chiếc nôi" đầu tiên ở tỉnh Hưng Yên về gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu, rộng, thu hút trên 90% gia đình sinh sống ở nông thôn. Nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách nhà nước, các phong trào của địa phương. Công tác xã hội hóa ở các địa phương trong cả nước được sự đồng thuận cao trong việc huy động nguồn lực xã hội, phát huy hiệu quả từ trong dân, người dân tự nguyện hiến đất tạo thêm nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đóng góp nhiều nghìn tỉ đồng để xây dựng các công trình của thôn, xóm trong đó có các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Đáng chú ý, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, những tập tục không còn phù hợp với xã hội hiện đại được loại bỏ dần. Nhiều địa phương đã hình thành những mô hình đám cưới theo hình thức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, cưới gọn nhẹ, không thuốc lá và hạn chế rượu, bia. Mô hình đám cưới tập thể cho các đôi nam nữ tại các khu công nghiệp dần được nhân rộng.

Những cách làm sáng tạo riêng trong bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng, mô hình CLB văn nghệ phục vụ du lịch cộng đồng đã được triển khai tại bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), bản Sin Súi Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu), bản Mểm (Tp. Điện Biên), bản Pác Ngòi (Ba Bể, Bắc Kạn)… Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian hoặc tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian, từ đó, đã tạo điều kiện thu hút người dân tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như tại thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, sau 10 năm triển khai, việc thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng nông thôn với thành thị… Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn cũng đang được nâng cao một bước, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI.