Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

31 tháng “oan trái” của 5 thanh niên dân tộc Dao

Nhằm “lấp liếm” cho cái sai của mình, sau khi không đủ chứng cứ để kết tội các bị cáo, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chuyển tội danh “Giết người” sang tội danh “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS). Lấy lý do, vợ nạn nhân có đơn tố đề nghị miễn truy tố, Cơ quan Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 5 thanh niên người dân tộc Dao.

Bức cung, nhục hình bắt nhận tội?

Cho đến hôm nay, dù được “phóng thích” đã tròn một tháng, sức khỏe của các “bị cáo” đã dần hồi phục nhưng mỗi khi nhắc đến những tháng năm ngồi tù các “bị cáo” vẫn luôn hoảng loạn khi khi nghĩ về giai đoạn khủng khiếp đó. Anh Bàn Văn Thái, sinh năm 1974 (bị cáo lớn tuổi nhất trong 5 bị cáo), nhớ lại: Để hợp lý các tình tiết “phi lý” cho kết luận điều tra mình “vẽ ra”, các điều tra viên Công an huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang đã dùng nhiều kiểu nhục hình để ép chúng tôi nhận tội. “Tôi không giết Cường nên tôi không nhận tội,thì bị các điều tra viên vặn quật cánh khủy tay đang chéo rồi treo lên.Tôi tiếp tục không nhận tội thì bị các điều tra viên dí dùi cui điện vào đầu, vào bộ phận sinh dục. Không thể chịu đựng với các đòn nhục hình khủng khiếp đó, tôi đã phải nhận tội dù mình không “Giết người”, anh Thái kể.

Theo Bàn Văn Tiếp, sinh năm 1996 (bị cáo nhỏ tuổi nhất và là con bị cáo Thái), dù đến nay sức khỏe cũng đã tạm bình phục những tai của Tuyên vẫn bị ù, không nghe rõ, nhất là vào những ngày “trái gió, trở trời”. Tiếp kể: “do em không nhận tội theo yêu cầu của các chú công an, các chú đã vặn quật chéo cánh khủy tay em rồi treo lên. Em không giết Cường nên em không nhận tội thì bị chú điều tra viên đổ nước vào tai rồi vỗ. Đau và sợ quá, nên em đã nhận tội”.

31 tháng “oan trái” của 5 thanh niên dân tộc Dao

5 “bị can” trước phòng tiếp công dân của VKSND TC.

Trong đơn gửi Báo LĐ&XH và các cơ quan chức năng, anh Thái viết: “Sống trong nỗi oan ức, bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt 2 năm 5 tháng 27 ngày, tôi luôn tâm niệm trong đầu rằng mình trong sạch, mình vô tội, mỗi lần đưa vụ án ra xét xử là một lần tôi và 04 người bị hàm oan như tôi chờ đợi, mong ngóng. Vì chỉ khi ra tòa tôi và 04 người còn lại mới có cơ hội để kêu oan, những mong các cơ quan tiến hành tố tụng khác có thể thấy sai mà sửa, thấy oan mà giúp chúng tôi minh oan. Đó là niềm tin duy nhất của cả 05 người chúng tôi trong suốt quãng thời gian tạm giam dai dẳng đó”. 

“Vải thưa” đòi “che mắt thánh”

Với bản kết luận điều tra được “vẽ ra” theo trí “tượng tượng” của mình và được sự “ủng hộ” của các kiểm sát viên, các điều tra viên, kiểm sát viên huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang tin tưởng hồ sơ của mình đã được khép rất chặt chẽ. Song chính những tình tiết mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án đã chỉ ra những sai lầm nghiêm trọng của cơ quan điều tra, truy tố của huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang. Việc TAND huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang nhiều lần (8 lần-pv) trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ để kết tội các bị cáo là minh chứng cho những sai lầm nghiêm trọng trên.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hưng, Cty luật TNHH MTV Thái Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Phúc), người bào chữa cho các bị cáo thì hành vi vi phạm nghiêm trọng đầu tiên trong vụ án này là việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã lợi dụng chức trách kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm của mình để bắt giữ người trái pháp luật, lấy lời khai vào ban đêm. “Đây là bước đầu tiên tạo ra một loạt sai phạm sau này của quá trình điều tra, truy tố oan sai đối với 5 bị can”, Luật sư Hưng khẳng định.

Cụ thể, trong hồ sơ vụ án thể hiện,Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Yên đã giam giữ trái pháp luật 5 bị can từ ngày 13 đến hết 15/9/2012 mà không có lệnh tạm giam. “Điều này được phơi bày rất rõ trong hồ sơ vụ án, có rất nhiều biên bản ghi lời khai, bản tường trình, bản tự khai của 5 bị can được thực hiện vào các ngày 13, 14 và 15/9/2012.Thậm chí, có những bản khai được thực hiện ngoài giờ hành chính, thậm chí là sau 22 giờ”, Luật sư Hưng khẳng định.

Cũng theo Luật sư Hưng, hiện ông đã có kiến nghị cơ quan chức năng điều tra việc bắt giữ người trái pháp luật, ép cung, bức cung, dùng nhục hình, cố tình làm sai lệch hồ sơ đối với 5 người vô tội trong vụ án này. 

31 tháng “oan trái” của 5 thanh niên dân tộc Dao

Luật sư Nguyễn Văn Hưng.

Sai phạm nối sai phạm

Sau 14 lần xét xử, 8 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung không thể kết tội 5 bị can, thiết tưởng các cơ quan tố tụng của tỉnh Tuyên Quang sẽ tuyên vô tôi và trả tự do ngay cho 5 bị can. Nhưng không phải vậy, bằng một bản kết luận điều tra số 05/KLĐT ngày 11/3/2015 của Cơ quan CSĐT công an tỉnh Tuyên Quang đã “khéo léo” chuyển tội danh “giết người”sang tội danh“Cố ý gây thương tích”, theo khoản 1, Điều 104 BLHS nhằm “lấp liếm” cho các hành vi trái pháp luật của mình.

Cụ thể, tại bản kết luận này, CQĐT công an tỉnh Tuyên Quang đã “cắt bỏ” phần sau khi đánh nhầm anh Cường, nhóm Thái, Tiếp, Quang,  Tuyên, Sơn không kéo anh Cường lên đồi cây và thực hiện hành vi cắt cổ tay, nhét cơm nguội trộn thuốc diệt cỏ vào mồm anh Cường…mà chỉ còn phần “sau khi đánh nhầm anh Cường cả bọn để anh Cường nằm đó và ra về. Đến 17 giờ ngày 15/7/2012, Cường tỉnh dậy về nhà tắm rửa, lên giường nằm ngủ đến 2 giờ ngày 16/7/2012, chị Bàn Thị Xanh (vợ Cường) phát hiện chồng đã chết...”

Với kết luận trên và căn cứ vào biên bản giám định tử thi, Công an tỉnh Tuyên Quang xác định thương tích trên cơ thể anh Cường là 6%, do bị nhóm Thái, Tiếp, Quang,  Tuyên, Sơn đánh. Do tỷ lệ % thương tích nhỏ và vợ nạn nhân có đơn xin miễn truy tố nên công an tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với các bị can.

Với hồ sơ trong vụ án, cụ thể là 2 bản kết luận giám định tử thi do phòng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Tuyên Quang) và Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận thì việc xác định tỷ lệ thương tích của anh Cường là 6%, đẻ từ đó Công an tỉnh Tuyên Quang chuyển tội danh là hoàn toàn thiếu căn cứ, không có cơ sở. Bởi, không thể xác định được tỷ lệ % thương tích trên nạn nhân đã chết.

Cụ thể, Kết luận giám định tử thi số 195/GDDThT12, ngày 16/9/2012 của phòng kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Tuyên Quang) kết luận: “không thể xác định được di chứng do các thương tích để lại nên chỉ xác định được mức độ tổn hại sức khỏe tối thiểu do thương tích gây ra nếu trong trường hợp nạn nhân còn sống, được điều trị kịp thời, tiến triển điều trị tốt”.Kết luận giám định số 1769/C54 (P6), ngày 28/6/2013 của Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng kết luận: “không có cơ pháp lý xác định mức độ tổn hại sức khỏe của anh Cường do các vết thương gây ra”.

Với hai kết luận như trên, một lần nữa CQĐT Công an tỉnh Tuyên Quang lại “vẽ” ra tỷ lệ % thương tích của anh Cường để khép tội “Cố ý gây thương tích” cho 5 người dân vô tội nhằm “lấp liếm” cho sai trái của mình.

Ngày 3/4, 5 bị can trong vụ án nêu trên có mặt tại trụ sở Công an tỉnh Tuyên Quang theo giấy mời của Cơ quan CSĐT với nội dung “làm việc về hành vi vi phạm hành chính”.Sau khi được cơ quan công an giải thích việc vi phạm này là phạt hành chính xuất phát từ tội cố ý gây thương tích, 5 bị can từ chối làm việc. Và có đơn gửi đến nhiều cơ quan tố tụng của Trung ương kêu oan, đề nghị làm rõ sự việc.

Được biết, sau khi nhận được đơn thư kêu oan, khiếu nại của 5 bị can nêu trên Bộ Công  an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm vào cuộc làm rõ vụ án trên.