“Làng đồ tể” Tha Rae - Thái Lan
Tất cả được chuyển đến Tha Rae. Từ đây, chó to được chuyển tới quận Baan Pheng rồi chuyển qua Trung Quốc. Chó nhỏ hơn thì bán sang Việt Nam. Chỉ cần 5 phút vượt sông Mêkông, giá chó đã tăng gấp 10 lần. Tha Rae là một thị trấn nhỏ yên bình ở Sakon Nakhon, còn có tên là “làng đồ tể” vì đã có danh tiếng làm thịt chó từ 150 năm trước, khi một nhóm người Việt qua đây định cư.
Những người này thịt chó để ăn trong khi người địa phương không có tập tục ấy, nên từ đó làng mới có tên là... “làng đồ tể”. Tuy nhiên, đến nay đã có ít nhất 5.000 người, tức 1/3 dân số ở Tha Rae kiếm sống bằng cách bắt chó, thịt chó để bán cho dân địa phương và… xuất khẩu. Ở Thái Lan, hơn 90% dân số theo Phật giáo nên không ăn thịt chó. Hầu hết người dân phản đối việc này, duy chỉ có ở Tha Rae.
Giết chó và buôn bán chó đã trở thành công việc nuôi sống nhiều người dân nơi đây. Chó từ khắp nơi đưa đến đây rồi mới được phân loại. Chó chất lượng thấp tiêu thụ ngay tại Thái Lan để làm thịt hoặc các sản phẩm thuộc da. Từ Tha Rae, những con chó bị nhồi nhét vào xe chở gia cầm hoặc lồng kim loại đưa sang biên giới. Mỗi lồng có khoảng 20 con, mỗi xe tải chở 6 đến 8 lồng.
Chó bị nhét chặt ních vào lồng sắt, đói khát, kiệt sức, thậm chí chết vì nghẹt thở, không thể nhúc nhích hoặc cắn lẫn nhau để tranh giành không gian sống. Xe thường chạy vào ban đêm hướng tới vùng Baan Pheng, cạnh biên giới Lào. Tại các cửa khẩu biên giới, những chú chó này bị chuyển sang các con tàu nhỏ, vận chuyển theo đường sông. Từ biên giới, các xe tải chở chó được sử dụng biển giả đi theo quốc lộ 1 hướng đến Vinh rồi ra Hà Nội. Điểm đến cuối cùng của những chiếc xe tải là tỉnh Thanh Hóa. Hành trình khoảng 700km, kéo dài vài ngày. Đến nơi, chúng sẽ bị những chiếc kẹp sắt kẹp cổ lôi từng con ra khỏi lồng, kết thúc hành trình bằng cái chết đau đớn.
Mỗi năm tiêu thụ 5 triệu con chó - bùng nổ thị trường “đen”! Theo Roger Lohanan, thuộc Tổ chức Bảo vệ động vật Thái Lan, đây là một thị trường “đen”. “Trước đây thì nhỏ thôi. Nhưng bây giờ, đây là hoạt động xuất khẩu quan trọng. Vì không phải chịu thuế, lãi có thể lên đến 300%-500%”. Một chính trị gia Thái Lan cũng cho biết: “Có hai cửa khẩu chiến lược quan trọng.
Những con chó này được thu thập từ các gia đình trong làng, hoặc bị đánh cắp, được bán với giá 200 Baht (130.000 VNĐ) mỗi con, sau đó chúng được gửi đến Tha Rae. Từ đó, những con chó lớn hơn được đưa đến một tỉnh phía Bắc, Baan Pheng, để đi đến Trung Quốc, trong khi những con nhỏ hơn đi đến Việt Nam. Năm phút qua sông và giá của những con chó có thể đi lên 10 lần. Đó là lợi nhuận rất cao”.
Theo các tổ chức bảo vệ động vật, những kẻ buôn lậu thường đi tìm bắt chó ở xung quanh các gia đình nuôi động vật hoặc cả những con chó đi lạc ở khắp Thái Lan, sau đó bán sang Việt Nam, thậm chí là tới Trung Quốc, nơi những con chó giống thường bán được giá cao. Trước đây, chó đi lạc ở Thái Lan thường bị bắt để đổi lấy những chiếc xô nhựa, nhưng với nhu cầu tăng cao như hiện nay, đặc biệt là trong những tháng mùa đông, khi thịt chó trở thành một món ăn ưa thích, mỗi con chó ở Thái Lan có thể được bán với giá 10 USD.
Khi sang đến Việt Nam và bán tại các nhà hàng, mức giá của nó lên tới 60 USD. Theo điều tra của các nhà hoạt động vì quyền động vật, mỗi năm có chừng 300.000 con chó bị buôn lậu từ Thái sang Việt Nam. Những chú chó nuôi trong gia đình thường trở thành mục tiêu của những kẻ săn chó bởi chúng hiền lành và dễ bị bắt. Các nhà hoạt động bảo vệ động vật ước tính, mỗi năm, tại Việt Nam tiêu thụ hơn 5 triệu con chó, bởi vậy mà nạn buôn lậu chó ở khu vực sông Mekong đang bùng nổ.
Việc buôn bán chó là bất hợp pháp tại Thái Lan và chính quyền đã bắt giữ những vụ buôn lậu hàng nghìn con chó. Tuy nhiên thực tế những kẻ buôn lậu thường chỉ bị xử nhẹ một vài tháng tù. Các nhà hoạt động bảo vệ động vật cũng nói rằng, hàng nghìn con chó bị thu giữ và chuyển tới trung tâm kiểm dịch, đôi khi quay trở lại với cuộc sống lang thang trên các đường phố và một lần nữa bị những kẻ buôn lậu bắt đi.
Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cũng không ngồi yên. Các cuộc truy bắt hoạt động buôn lậu chó vẫn được Hải quân hoàng gia Thái Lan thực hiện. Lực lượng này trong năm 2013 đã chặn một vụ chuyên chở bằng tàu thủy gần 2.000 con chó trong vào tháng 4, rồi một chuyến khác với 3.000 con trong tháng 5 khi các con tàu đang trên đường tới Lào, nơi người dân cũng không có thói quen ăn thịt chó.
Ông Surasak, sỹ quan hải quân Hoàng gia Thái Lan cho hay, chó được thu mua từ các hộ dân với giá khoảng 200 Bath/con (150.000 đồng), hoặc chó hoang, chó nhà bị bắt trộm. Con đường mà bọn buôn lậu chó dùng để vận chuyển hàng là đường số 8, đi qua nhiều con đèo núi đá vôi của Lào. Bọn buôn lậu có mạng lưới người mật báo, dùng biển số xe giả và thiết bị định vị vệ tinh GPS. Từ đây, xe chạy thoải mái không cần lo lắng gì. Qua tới đất Lào, coi như chuyến buôn lậu đã thành công.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Thái Lan là một trong những quốc gia có số lượng chó hoang rất nhiều. Theo Arnaud Dubus, một chuyên viên thông tín tại Bangkok cho biết, ngay tại Bangkok cũng có khoảng 300.000 con chó hoang. Chúng ở nhiều nơi, từ công viên đến bãi rác, đây chính là mầm mống của dịch bệnh bùng phát bởi chó hoang nào không chủng ngừa bệnh dại.
Tại Việt Nam cũng đã có những thử nghiệm cho thấy những con chó hoang thường có mầm bệnh dại. Vì vậy, việc vận chuyển những con chó vô chủ qua biên giới thực sự là hiểm họa cho bệnh dại lây truyền từ nước này sang nước khác. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Việt kiều tại Thái Lan cho biết: Một con chó dù bị giết mổ thì thịt của nó vẫn có thể gây bệnh dại cho người. Tại châu Á, số liệu cho thấy mỗi năm có khoảng 30.000 người ở châu Á chết sau khi bị chó dại cắn. Được biết ASEAN mà Việt Nam là một thành viên, đã đề ra quyết tâm đến năm 2012 cả khu vực phải sạch bệnh dại.
Ông Lola Webber, chương trình Animals Foundation, cho biết: “Do buôn bán thịt chó liên quan đến sự di chuyển quy mô lớn của những con chó dại hoặc nghi nhiễm dại, vì vậy có ý kiến cho rằng để ngăn chặn chu kỳ lây nhiễm chỉ bằng cách cấm hoàn toàn buôn bán thịt chó”. Cục Thú y Việt Nam cũng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu chính quyền các địa phương ngăn chặn nạn buôn bán chó bất hợp pháp. Tuy nhiên do nhu cầu quá lớn và lợi nhuận khủng, tình trạng buôn lậu chó từ Thái Lan về Việt Nam vẫn chưa thể dừng lại.
“Khi bị xếp chồng lên nhau, những con chó sẽ cảm thấy khó chịu. Mọi chuyển động làm cho những con ở sau bị ép lại sẽ khiến chúng cắn nhau lập tức”, CNN dẫn lời ông Tuấn Bendixsen, giám đốc Tổ chức động vật châu Á ở Việt Nam. Có một niềm tin không có cơ sở, rằng nếu lo sợ thì con vật sẽ tiết ra các hormon khiến mùi vị của chúng đậm hơn, vì thế khi về đến Việt Nam chúng bị nhốt. Cuối cùng, những con chó này bị đánh bằng dùi cui cho chết hoặc bị cắt tiết, thậm chí là bị lột da sống, ngay trước mắt những con chó khác. “Chó là loài động vật thông minh, bởi vậy nếu bạn giết một con thì những con còn lại sẽ biết chuyện gì sắp xảy ra với chúng”, ông Bendixsen nói. |