Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Niệm. Ảnh: KT
Tri ân người có công
Kỉ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tới thăm và tăng quà Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC số 2 Hà Nội.
Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC số 2 Hà Nội nằm trên địa bàn xã Viên An, huyện Ứng Hòa. Từ năm 1994 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, chăm sóc 109 NCC với cách mạng vào nuôi dưỡng thường xuyên. Do tuổi cao, sức yếu, nhiều cụ, nhiều mẹ đã qua đời. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 55 NCC, trong đó có 1 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 7 mẹ liệt sĩ; 31 vợ liệt sĩ, 9 con liệt sĩ mồ côi bị khuyết tật...
Gặp gỡ với Mẹ Việt Nam Anh hùng, NCC đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xúc động bày tỏ tấm lòng tri ân trước những hy sinh, đóng góp to lớn của các bà, các mẹ, thân nhân các gia đình chính sách, NCC với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung gửi lời chúc sức khỏe tới các bà, các mẹ, gia đình chính sách, NCC và toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm. Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch đã tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, NCC và cán bộ, nhân viên công tác tại Trung tâm.
Chủ tịch UBND TP khẳng định, việc nuôi dưỡng, chăm sóc NCC là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. TP Hà Nội đã, đang và sẽ luôn chú trọng để không ngừng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho NCC.
Cũng trong chuyến thăm này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Niệm (trú tại xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa) và thương binh hạng 1/4 Nguyễn Đình Dinh, (sinh năm 1951, ở xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa).
Được biết, tại Hà Nội, công tác xã hội hóa chăm lo NCC cũng đang được các địa phương đẩy mạnh, theo 5 chương trình lớn huy động nguồn lực xã hội hóa như: Xây dựng nhà tình nghĩa; Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc người thân liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ nguồn xã hội hóa, hàng trăm căn nhà tình nghĩa dành tặng NCC đã được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng; nhiều sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao cho NCC và không ít con thương binh, liệt sĩ được bố trí việc làm ổn định.
Đào tạo nghề sửa điện lạnh ở một cơ sở đào tạo nghề tại Hà Nội. Ảnh: KT
Tạo việc làm cho người lao động
Năm 2015, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 149.00 lao động, đạt 101% kế hoạch đặt ra. Tổng số 321 cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh và dạy nghề cho 148.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch đặt ra. Trong đó, các quận, huyện đã tổ chức 715 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, dạy cho trên 24.000 người với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức 166 phiên giao dịch với trên 5.000 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Có trên 58.000 lượt lao động được tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó số lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch là 25.000 người.
Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã xét duyệt 4.600 dự án vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 703 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35.500 lao động; đưa 2.000 người đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và một số nước châu Phi.
Hà Nội đã đặt mục tiêu, năm 2016 tạo việc làm mới cho 150.000 người, tuyển mới đào tạo nghề cho 148.000 người. Nhằm tạo ra được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường, Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện đề án rà soát, sắp xếp hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố, nâng cao sàn giao dịch việc làm, đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường nghề để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề...
Giảm nghèo bền vững
Những năm qua, TP. Hà Nội luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo. Vượt trên 180% kế hoạch giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội xuống còn 1,5% là kết quả đạt được của chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của TP. Hà Nội.
Đầu năm 2015, Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm giảm 3.500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ giảm nghèo xuống dưới 1,9%. Nhưng đến cuối năm, bằng nhiều giải pháp tích cực cùng với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, toàn thành phố đã giảm được 6.550 hộ nghèo, đạt 187% kế hoạch đã đặt ra. Đây được đánh giá là một thắng lợi tích cực của ngành LĐTBXH trong kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015.
Những giải pháp mà ngành đặt ra và thực hiện có hiệu quả việc giảm nghèo là tổ chức các hội nghị giảm nghèo bền vững và phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều tới từng quận, huyện, thị xã. Triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho trên 11.000 hộ nghèo, 30.000 lượt hộ cận nghèo, 1.300 lượt hộ mới thoát nghèo, 8.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí cho vay trên 1.600 tỷ đồng.
Các địa phương đạt chỉ tiêu giảm nghèo cao là quận Hà Đông, Long Biên, Tây Hồ, huyện Mỹ Đức, Gia Lâm, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thường Tín, Sơn Tây, Ứng Hòa.
Năm 2016, Hà Nội tiếp tục đặt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 1,3% (giảm 2% so với năm 2015) tương đương với giảm tiếp 3.500 hộ nghèo. Đồng thời, tập trung xây dựng chuẩn nghèo mới và kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020; đặc biệt, chú trọng công tác giảm nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc, xây dựng các giải pháp tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều.
Hà Nội cũng sẽ tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ giảm nghèo; chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo theo quy định được vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học. Tiếp tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người mù có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân phong và người dân các xã diện đặc biệt khó khăn.
PV (Tổng hợp)/Tạp chí Gia đình và Trẻ em