Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 2.000 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023) và 6 người tử vong, trong đó 10 vụ có quy mô mắc trên 30 người (tăng 3 vụ so với cùng kỳ).

Riêng các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất xảy ra 3 vụ ngộ độc với 518 người mắc (tăng 457 ca so với cùng kỳ).

ngo-doc-dong-nai-.jpg
Bệnh nhân trong vụ 500 người bị ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai.

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn đã xảy ra ở Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc... ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, người dân, sản xuất của doanh nghiệp.

Ngay sau khi xảy ra những vụ ngộ độc trên, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chỉ đạo ngay các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế thấp nhất bệnh nhân nặng và ca tử vong; chỉ đạo các địa phương đình chỉ ngay cơ sở cung cấp thực phẩm, để tiến hành kiểm tra, đánh giá và truy xuất nguồn gốc, lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tìm nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc.

Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc, Bộ Y tế thấy rằng một trong những nguyên nhân là một số cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn tiếp tục thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Một số thực phẩm bị nhiễm khuẩn Salmonella gây ra ngộ độc, rối loạn tiêu hóa...

Về những giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm; các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, hai nội dung quan trọng trong lĩnh vực này đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể.

Thứ nhất là về thể chế đã có Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan...

Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...

Bộ Y tế đã tham mưu để cấp địa phương, các cấp, ngành, đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đồng thời hướng dẫn thực hiện 10 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 2 khuyến cáo là chọn thực phẩm sạch và nơi chế biến ăn uống phải đảm bảo vệ sinh.

“Các địa phương phải kiên quyết không để cơ sở không có giấy đăng ký; bảo đảm an toàn thực phẩm ở những cơ sở có giấy; không để những cơ sở có giấy mà không đủ điều kiện hoạt động hoặc đáng lẽ phải cấp giấy nhưng chưa được cấp mà vẫn hoạt động…

Kiểm soát chặt chẽ theo từng chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan; kiên quyết không để việc thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ cung cấp cho các bếp ăn tập thể”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Ông Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị, các cơ quan, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, trước hết là nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người lao động của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị; nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để thay đổi hành vi mua thực phẩm, sử dụng thực phẩm, kiên quyết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, bếp ăn tập thể; xử lý vi phạm phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa nâng cao hiệu quả tuyên truyền vừa có tính răn đe.

Duy Anh

Báo Lao động Xã hội số 67

Tin liên quan
Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm

Bất an những vụ ngộ độc thực phẩm

(LĐXH) - Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bán ra thị trường đã được đẩy mạnh,...
Hiểm họa từ thức ăn đường phố

Hiểm họa từ thức ăn đường phố

(LĐXH) - Việc hơn 550 người ở Đồng Nai nhập viện do ngộ độc bánh mì thịt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc...