Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường quản lý thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc làm 560 người nhập viện

Trần Huyền
Trần Huyền

Vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ thịt xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai khiến 560 người nhập viện cấp cứu được xem là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang tăng cường công tác quản lý thức ăn đường phố, hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Các điểm bán thức ăn đường phố không cố định nên rất khó quản lý

Từ vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở thành phố Long Khánh cho thấy, nguy cơ ngộ độc của thức ăn đường phố hoàn toàn có thể xảy ra và với quy mô, mức độ thiệt hại nghiêm trọng.

Riêng với thức ăn đường phố, trong hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, các đoàn kiểm tra liên ngành vẫn kiểm tra một số điểm bán thức ăn đường phố có địa chỉ cố định. 

Tăng cường quản lý thức ăn đường phố sau vụ ngộ độc làm 560 người nhập viện - 1
Các điểm bán thức ăn đường phố không cố định nên rất khó quản lý (Ảnh minh họa: Trần Huyền).

Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai Nguyễn Đình Minh cho biết, do số lượng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn quá nhiều, nhiều xe đẩy, gánh hàng rong không cố định nên rất khó quản lý, dù ngành đã rất nỗ lực. 

Ngoài ra, quy định về thức ăn đường phố chưa thực sự chặt chẽ nên thiếu hành lang pháp lý để kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về ATTP ở các điểm bán thức ăn đường phố.

Tại thành phố Long Khánh, sau khi xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở bán mỳ thịt, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, tăng cường kiểm soát ATTP tại các địa điểm kinh doanh ăn uống.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Long Khánh cho biết, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban Nhân dân các phường, xã tăng cường rà soát, kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm ATTP.

Đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, trước khi xảy ra vụ nghi ngộ độc, Sở Y tế tỉnh đã có những văn bản về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP.

Tuy nhiên, vụ nghi ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh khiến số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương thực hiện rà soát, chấn chỉnh nghiêm túc các hàng quán không đảm bảo vệ sinh ATTP.

Biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP thuộc Bộ Y tế, cho biết cao điểm các vụ ngộ độc thường xảy ra vào đầu mùa Hè hàng năm.

Nguyên nhân là do chuyển mùa, thời tiết nắng nóng, nhất là năm nay nắng nóng rất khắc nghiệt. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ xảy ra những vụ ngộ độc do vi khuẩn.

Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Phó Cục trưởng Cục ATTP, khuyến cáo đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến.

Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, phải luôn bảo quản ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn. Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, cần lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh ATTP.

Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa Hè nắng nóng, ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng việc ăn chín, uống chín; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; không dùng thực phẩm đã biến đổi màu, mùi, vị, bị nấm mốc;

Đồng thời, hạn chế ăn thực phẩm tái sống; hâm nóng thức ăn sau 2h chế biến; rửa tay sạch sẽ khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn. Đặc biệt, không ăn thức ăn bán ở lề đường, chế biến không hợp vệ sinh.

Ngày 1/5, đã có hàng trăm người nhập viện cấp cứu sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) với các dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói...

Trong đó, có 7 bệnh nhi nhiễm trùng đường ruột nặng, có 2 ca trong số này ở tình trạng rất nặng, phải lọc máu và thở máy.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết kết quả xét nghiệm mẫu máu của 3 bệnh nhi nặng nhất trong vụ nghi ngộ độc cho thấy các bệnh nhi bị nhiễm trùng E.coli.

Sở Y tế Đồng Nai sẽ có báo cáo về kết quả nhiễm trùng E.coli khi xét nghiệm máu có phù hợp với kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn hay không.